Trước đó, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có loạt bài phản ánh về việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lasa (Công ty Lasa) lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Lurcinn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa chất cấm Corticod và địa chỉ công ty "ma".
Mới đây, Tòa soạn lại tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng về việc Công ty Lasa đang có dấu hiệu "lừa dối" khách hàng, qua mặt cơ quan chức năng, khi công bố và quảng cáo, lưu hành sản phẩm nám Meladi Combo không đúng với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm, có dấu hiệu là hàng giả.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, ngày 13/09/2022, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có cấp số phiếu công bố 003431/22/CBMP- HCM do bà Phạm Thị Thanh Huyền ký với tên gọi sản phẩm là Meladi, nhãn hàng Lurcinn với danh sách các dạng Meladi Serum, Meladi Night Cream, Meladi Day Cream.
Phiếu công bố sản phẩm Meladi được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp cho Công ty Lasa với 3 dạng khác nhau
Theo quy định, một công bố được sử dụng cho nhiều dạng sản phẩm khác nhau, nhưng với điều kiện các sản phẩm khi lưu thông ra thị trường phải có thành phần, công dụng, bản chất giống nhau. Tuy nhiên, cầm trên tay sản phẩm Meladi Combo, phóng viên nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên nhãn sản phẩm.
Cụ thể, trên bao bì sản phẩm có ghi tên là Meladi Combo Melasma Nano Forrmu. Bóc hộp combo sản phẩm ra, thì thấy bên trong có 5 sản phẩm với tên gọi khác nhau bao gồm: Sữa rửa mặt, kem chống nắng, meladi Serum, Meladi Night Cream, Meladi Day Cream. Điều kỳ lạ là 3 sản phẩm mang tên Meladi có thành phần, công dụng khác nhau.
Sản phẩm Meladi combo gồm 5 sản phẩm khác nhau lưu hành không đúng so với hồ sơ công bố
Meladi Serum có thành phần Hydrolyzed Hyaluronic Acid, Hydroxyethyl Urea, Niacinamide, Alanton, Beta Glucan,… với công dụng giúp giữ ẩm, giúp da trông căng bóng mềm mịn, giúp tái tạo da và se khít lỗ chân lông; Meladi Night Cream giúp dưỡng trắng da, giảm nám và tàn nhang, giúp tái tạo da;
Meladi Night Cream lại có thành phần: Water, Tranesamix Acid, Alpha Arbutin, Niacinamide, Royal Jelly Extract, Retinol 1%,… dưỡng trắng da, giảm nám và tàn nhang, giúp tái tạo da.
Meladi Day Cream gồm những thành phần Titanium Dioxyde, Sodium Hyaluronate, Hydrolyzed Colalagen, Oryza Sativa Brqan Extract, Glycyrrhiza Uralensis Root Extract... dưỡng trắng da, giảm nám và tàn nhang, giúp tái tạo da và chống nắng.
Sản phẩm Meladi có nhãn ghi sai lệch so với công bố
Xét ở một góc độ khác, sản phẩm Meladi Combo có nhãn ghi không đúng bản chất của hồ sơ công bố, nên có thể thấy sản phẩm này có dấu hiệu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thẩm định, kiểm duyệt chất lượng một đằng, nhưng Công ty Lasa lại đưa ra thị trường một nẻo. Điều này khiến người tiêu dùng sẽ phải chịu hậu quả nếu chất lượng các sản phẩm này "có vấn đề".
Sản phẩm Meladi Combo lưu hành 3 sản phẩm Meladi không đúng so với hồ sơ công bố
Tham chiếu theo Khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định “Hàng giả” gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…
Như vậy, việc giới thiệu sai bản chất sản phẩm không chỉ khiến người tiêu dùng hiểu lầm, mà còn vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Việc giới thiệu quảng cáo sản phẩm phải thể hiện nội dung, chất lượng, theo đúng tiêu chuẩn trong hồ sơ công bố đã được cơ quan chức năng thẩm định, xét duyệt. Trên cơ sở đó, người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng đúng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát, hậu kiểm.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn những vi phạm có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chúng tôi đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sớm vào cuộc, kiểm tra làm rõ sự việc và xử lý nghiêm, nếu phát hiện vi phạm.
Điều 45, thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định:
Mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
đ) Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm của Thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi
Tại Điểm d Điều 46 của Thông tư 06 nêu “Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm” thì bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định trường hợp nhãn mỹ phẩm ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm thì ngoài bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy mỹ phẩm.
Nhóm Phóng viên
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng