Bài 3: Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam: Trở về để cống hiến

04/09/2022 08:59

(Chinhphu.vn) - Bảng vàng thành tích liên tục được các thế hệ giáo viên, học sinh giữ gìn và nối tiếp truyền thống, "tiếp lửa" xây những bậc thang quan trọng cho đỉnh cao mới cần chinh phục.

Việt Nam lần đầu có đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế vào năm 1974.  Các đội tuyển còn lại là Vật lí năm 1981, Tin học năm 1989, Hóa học và Sinh học năm 1996. Theo thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đã có hơn 800 lượt học sinh Việt đã dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin học, mang về gần 700 huy chương, trong đó có 168 Huy chương Vàng.

Tự hào với 10 cậu bé vàng Toán học đạt điểm tuyệt đối

Nước ta đã 46 lần tham dự đấu trường Olympic Toán quốc tế (IMO) và giành tổng cộng 67 Huy chương Vàng, 113 Huy chương Bạc, 80 Huy chương Đồng và một bằng khen danh dự. Thứ hạng cao nhất đội tuyển đạt được là hạng 3 toàn đoàn vào các năm 1999, 2007 và 2017.

Việt Nam đã có 10 người đạt được số điểm tuyệt đối tại đấu trường quốc tế này. Đó là: Lê Bá Khánh Trình (vào năm 1979), Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Đinh Tiến Cường (1985), Ngô Bảo Châu (1988, 1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1996), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003), Ngô Quý Đăng (2022).

Bài 3: Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam: Trở về để cống hiến - Ảnh 1.
Lê Bá Khánh Trình (ở giữa) khi đi thi IMO năm 1979.

Trong số này, Lê Bá Khánh Trình là người duy nhất đoạt giải đặc biệt cho lời giải hay trong một kỳ thi Toán quốc tế và được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam". Tại IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình đã dùng kiến thức lớp 9 để đưa ra lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án của ban tổ chức và đạt số điểm tuyệt đối 40/40.

Thầy 'tuyệt đối' dẫn dắt trò 'tuyệt đối'

Sau IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa Toán-Cơ của Đại học Tổng hợp Lomonosov. Dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (người từng giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga), ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Trở về Việt Nam, TS. Lê Bá Khánh Trình trở thành thầy giáo dạy Toán ở Khoa Toán-Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đồng thời tham gia giảng dạy cho học sinh chuyên Toán Trường THPT Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM). Nhiều năm nay, ông quen thuộc trong vai trò trưởng đoàn, phó đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam đi thi IMO và có đóng góp to lớn trong việc giảng dạy những học sinh được chọn đi thi Olympic Toán quốc tế.

TS. Trình từng nói: "Nghề giáo với tôi có lẽ là duyên nợ, là nghề chọn mình". Mỗi lần đưa đội tuyển đi thi IMO, ông đều hồi hộp. Ông luôn đứng ở cương vị của mình nhiều năm trước để hiểu những thành viên trong đội tuyển cần gì và tự nhủ phải cố gắng tạo điều kiện để các thành viên đội tuyển thấy học và sống với đam mê thật thoải mái vui vẻ, chứ không nặng nề. Những thành viên trong đội tuyển dù học ở trường nào, đến từ địa phương nào cũng nhận được sự giúp đỡ như nhau từ ông.

Bài 3: Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam: Trở về để cống hiến - Ảnh 2.
TS. Lê Bá Khánh Trình hôm nay trong vai trò người dẫn dắt nhiều lớp học trò.

Ngoài dạy học, thầy còn trò chuyện, dẫn các em đi tham quan thành phố nơi đến dự thi, những khoảng thời gian này cũng là dịp để hiểu về điểm mạnh, yếu của từng thành viên, để kịp thời động viên và khuyến khích các em. "Trong đội tuyển có em này, em kia, có nhiều tình huống khác nhau nhưng tất cả các em đều căng thẳng như nhau. Tôi cũng luôn cố gắng giữ tâm lý cho các em thật tốt", thầy Trình kể.

Khi thi quốc tế, những em như thế sẽ rất khó khăn khi phải đối diện với các bài thi nằm ngoài khuôn mẫu, đòi hỏi tính sáng tạo cao. Đề thi ngày càng đòi hỏi điều này. Đã từng có những bài mà hôm nay được cho vào đề rồi nhưng sau một ngày nghĩ lại, người ta lại bỏ ra ngoài vì thấy nó đã ít nhiều xuất hiện ở chỗ này, chỗ khác và thay vào một dạng hoàn toàn mới. Vì vậy thầy Trình rất chú ý tuyển chọn những em có tư duy sáng tạo. "Khi ra một đề toán, tôi đã nhận được những bài giải rất hay từ các em. Chính tôi đã học được nhiều điều từ các học sinh của mình", TS. Lê Bá Khánh Trình chia sẻ về các học trò.

Sau 19 năm, năm 2022, Việt Nam mới có một học sinh đoạt Huy chương Vàng tại một kỳ Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối. Chia sẻ về khoảnh khắc học sinh Ngô Quý Đăng cầm cờ Tổ quốc lên nhận giải, thầy giáo Lê Bá Khánh Trình, Phó Trưởng đoàn Olympic Toán học Việt Nam, cho biết rất vui, xúc động và nhớ lại khoảnh khắc của chính mình cách đây 43 năm. TS. Lê Bá Khánh Trình chia sẻ, mặc dù tự tin trước khi bước vào kỳ thi, song kết quả của đội tuyển Việt Nam dự IMO 2022 cũng mang đến nhiều bất ngờ.

Trở về để cống hiến cho đất nước

Ngoài TS. Lê Bá Khánh Trình, một số ít thí sinh IMO của đoàn Việt Nam sau khi ra nước ngoài học tập và nghiên cứu đã chọn con đường quay trở về để cống hiến cho đất nước. Tấm gương tiêu biểu có TS. Hoàng Lê Minh, người mang về giải vàng đầu tiên trong năm đầu tiên Việt Nam tham dự IMO năm 1974. Hoàng Lê Minh khi đó là học sinh lớp 10, khối chuyên Toán A0 Đại học Tổng hợp.

Trong kỳ thi IMO năm 1974, Hoàng Lê Minh đạt 38/40 điểm, xếp thứ 9 toàn đoàn. Sau đó, ông sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov, làm nghiên cứu sinh và tham gia công tác với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng. Trong thời gian ở Liên Xô, ông đạt được nhiều thành tích. Đến năm 1991, TS. Hoàng Lê Minh và gia đình quyết định về Việt Nam công tác.

Bên cạnh đó, PGS. Phan Thị Hà Dương là một trong số ít nữ sinh tham gia IMO và giành huy chương đồng về cho Việt Nam (năm 1990) có sự nghiệp rộng mở tại Pháp trước khi trở về.

Năm 1999, luận văn tiến sĩ của Phan Thị Hà Dương được hội đồng chấm luận án của Đại học Paris 7 xếp loại xuất sắc. Cùng năm 1999, bà đứng đầu trong kỳ thi tuyển vào vị trí Phó Giáo sư của Đại học Paris 7. Phan Thị Hà Dương trở thành Phó Giáo sư khoa Tin học của trường, sau khi vượt qua hơn 100 người ứng tuyển dày kinh nghiệm để đứng vị trí thứ nhất.

Tháng 8/2005, bà quyết định trở về Tổ quốc và đầu quân cho Viện Toán học Việt Nam. Năm 2019, bà nằm trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 của tạp chí Forbes.

Chọn trở về, góp sức xây dựng quê hương, những nhân tài Toán học như Lê Bá Khánh Trình, Hoàng Lê Minh, Phan Thị Hà Dương đã và đang cùng cả dân tộc gánh vác trách nhiệm đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc ở khắp 5 châu.


Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp