Bắc Giang: Tích cực kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại

24/11/2022 23:24

(Chinhphu.vn) - Trong 10 tháng năm 2022, BCĐ 389 tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh có hiệu quả, kiểm tra, thanh tra và phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.300 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán thanh lý hàng tịch thu và truy thu thuế hơn 160 tỷ đồng.

Bắc Giang: Tích cực thanh, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 1.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn trao Bằng khen của Trưởng BCĐ 389 quốc gia cho 3 tập thể đạt thành tích tiêu biểu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang Chu Thanh Hiến, trong 10 tháng năm 2022, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ trong nước và trên địa bàn Bắc Giang vẫn ở mức cao như: Xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, thực phẩm… nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nên tình hình thị trường cơ bản vẫn ổn định. 

Bên cạnh đó, các loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu lưu thông bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt không xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa.

Tuy nhiên, việc buôn bán hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả vẫn còn diễn ra trên thị trường với các mặt hàng hóa chủ yếu như: Bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ điện dân dụng, hoa quả tươi và sấy khô, quần áo…

Để bảo đảm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, các ngành chức năng thuộc BCĐ 389 tỉnh Bắc Giang và BCĐ 389 các huyện, thành phố trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh có hiệu quả, kiểm tra, thanh tra hơn 2.290 vụ, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.310 vụ với 1.230 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán thanh lý hàng tịch thu và truy thu thuế là hơn 160 tỷ đồng.

Trong hai tháng cuối năm, BCĐ 389 tỉnh Bắc Giang và BCĐ 389 huyện, thành phố của tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với từng ngành và địa phương quản lý. Đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng và các địa phương để nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bí mật, kịp thời trong các vụ việc cụ thể; kết hợp chặt chẽ, phát huy tối đa sức mạnh, ưu thế của mỗi lực lượng trong đấu tranh xử lý vi phạm.

Bắc Giang: Tích cực thanh, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 2.
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang kiểm tra hàng hóa vi phạm của Hộ kinh Doanh N.C.K trên địa bàn xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang. Ảnh: Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Bắc Giang.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được và đưa ra nhận định trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, Trưởng BCĐ 389 cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến việc lưu thông, giá cả hàng hóa, qua đó ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như với Bắc Giang. 

Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm 2022 và đầu năm 2023, BCĐ các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh. BCĐ 389 của tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục khẳng định vai trò, hoạt động hiệu quả. Để từ đó tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng…

Đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả; thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; xăng dầu, mỹ phẩm… 

Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.


Theo Thiện Tâm / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp