Ba 'trụ cột' trong thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM

03/01/2023 01:16

“Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội” là những chủ trương của TP.HCM đề ra trong năm 2023.

 

Có thể thấy đây là một định hướng khá rộng nhưng qua đó cũng thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền thành phố, đồng thời, xác lập mục tiêu khá vững chắc cho sự phát triển của thành phố trong năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

TP.HCM có 3 "trụ cột" chủ đạo trong việc thực hiện chủ đề năm 2023, cụ thể gồm:

Trụ cột thứ nhất là “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”, thực hiện những yêu cầu quan trọng, cần thiết trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế.

Trụ cột này được coi là tiền đề, điều kiện cần cho việc phát triển các trụ cột tiếp theo. Bởi nếu hoạt động công vụ yếu kém, hoạt động hành chính trì trệ hay môi trường đầu tư không được cải thiện thì sẽ rất khó có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như an sinh xã hội. Dù các hoạt động này đã cải tiến rất quyết liệt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh mẽ để phù hợp với yêu cầu đề ra, hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập cũng như các điểm hạn chế.

Trụ cột thứ 2 là “thúc đẩy phát triển kinh tế”. Trong năm 2022 vừa qua vấn đề phát triển kinh tế tại thành phố khá ấn tượng. với mức tăng 9,03% (mục tiêu đề ra từ đầu năm là 6% - 6,5%); thu ngân sách vượt dự toán 18% (tổng thu đạt hơn 471.500 tỷ đồng). Tuy nhiên về những tháng cuối năm thì tình hình kinh tế có chút thay đổi gặp rất nhiều khó khăn, như một số thị trường bị thu hẹp, một số lĩnh vực tăng trưởng chậm, mức đầu tư trên các lĩnh vực không đồng đều… những vấn đề này chắc chắn kéo dài sang năm 2023, nhất là với những vấn đề có yếu tố khách quan. Chính vì thế từ đà tăng trưởng kinh tế năm 2022 cần tiếp tục duy trì cho năm 2023. Có tăng trưởng kinh tế thì mới thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trụ cột thứ 3 là “đảm bảo an sinh xã hội”. Điều này thể hiện ở việc chăm lo cho nhân dân trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, đời sống… mục tiêu tăng trưởng hay phát triển kinh tế đều hướng đến cái đích sau cùng là bảo đảm an sinh xã hội, tức là nâng cao chất lượng sống của người dân.


Hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên trang web của Cục Hải quan TPHCM. Ảnh: Đảng bộ TP.HCM.

Để phát triển toàn diện, cả 3 trụ cột này cần được lên kế hoạch thực hiện đồng bộ. Trong đó việc “thúc đẩy phát triển kinh tế” sẽ là chủ đạo để hai trụ cột còn lại thực hiện mục tiêu xoay quanh. Cụ thể, việc “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư” là để phát triển kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Khi kinh tế phát triển thì vấn đề an sinh xã hội mới được đảm bảo, và ngược lại khi an sinh xã hội ổn định sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế.

Trong trụ cột đầu tiên, cũng có thể phân tích ra 3 trụ cột nhỏ hơn, gồm: “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ”, “đẩy mạnh cải cách hành chính” và “cải thiện môi trường đầu tư”. Về cơ bản ba trụ cột này đều có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Muốn nâng cao hoạt động công vụ hiệu quả hơn thì cẩn phải đẩy mạnh cải cách các vấn đề hành chính mà trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho người dân thực hiện các yêu cầu hành chính được dễ dàng và thuận lợi hơn. Với điều kiện chuyển đổi số như hiện nay các thủ tục hành chính cần gắn với không gian mạng, số hóa, đồng thời, phải có những giải pháp bảo đảm các nhóm dân cư khác nhau đều có thể thực hiện; do đó, các cán bộ, công chức phải vừa bảo đảm đủ trình độ để sử dụng các công cụ (phần mềm, máy tính…), đồng thời, phải vừa hỗ trợ người dân sử dụng các công cụ đó. 

Toàn bộ những vấn đề được nêu trên không chỉ phục vụ phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội mà cần  phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

PV

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp