Mở cửa âm thanh cho trẻ điếc câm
Tình trạng trẻ em điếc câm là một vấn đề thường gặp trong lĩnh vực tai mũi họng. Những trẻ em điếc nặng, sâu nếu không được hỗ trợ hoặc can thiệp sức nghe đầy đủ, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, công nghệ cấy ốc tai điện tử ra đời. Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện cấy ốc tai điện tử. Sơ khai là ốc tai điện tử đơn kênh, sau đó công nghệ càng ngày càng phát triển thành ốc tai điện tử đa kênh.
“Chiếc ốc tai đa kênh ấy như một chiếc đàn piano rải đầy đủ các phím sẽ giúp người điếc nghe được hết tần số, cao độ khác nhau… Những đứa trẻ được cấy ốc tai điện tử thế hệ sau càng nghe tốt, nói rất tốt. Trẻ còn có thể chơi đàn, hát được. Rõ ràng công nghệ đó đã biến đổi một đứa trẻ có tật bẩm sinh thành một đứa trẻ hoàn toàn bình thường,” TTND.PGS.TS Trần Phan Chung Thủy tâm sự.
“Tôi còn nhớ, đó là một buổi chiều cách đây nhiều năm, trong một lần đi thang máy, tôi bắt gặp một cậu bé con chừng 7 - 8 tuổi. Cậu bé sáng sủa, đẹp trai nhưng trông có vẻ sợ sệt và hơi bị kích động. Tôi bắt chuyện: “Con đi khám bệnh à? Con bao nhiêu tuổi?” Mẹ đứa bé trả lời rằng: “Bác ơi, cháu nó bị điếc câm, không nói được!” Tôi hỏi thêm: “Sao em không có cháu đi khám?” Cô ấy cho biết đã cho con đi khám, nhưng nhà không có điều kiện để làm phẫu thuật cấy ốc tai. Tôi chững lại và cảm thấy thương cảm cho cháu bé. Ánh mắt đứa trẻ cứ nhìn tôi như muốn nói điều gì đó, nhưng không nói được dù cậu biết tôi nói và cười với mình,” PGS.TS Chung Thủy kể lại câu chuyện nghề nghiệp như thế.
Từ đấy, bà cảm nhận sâu sắc tâm tư của những đứa trẻ ấy muốn được nghe và muốn được nói, rồi bà cứ thế viết ra thành thơ.
“Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ vài dòng tâm sự đó là một chút trải lòng. Tiếp đó, tôi cùng hội Tai Mũi Họng Việt Nam và các thành viên trong ngành Tai Mũi Họng TPHCM làm các công tác khác để kêu gọi hỗ trợ cho trẻ điếc câm vì cho đến bây giờ, phẫu thuật cấy ốc tai vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả phần thiết bị ốc tai. Nhiều người sau khi đọc bài thơ ấy, đều khuyên tôi, nếu có những chương trình cộng đồng, một bài hát sẽ dễ đi vào lòng người, vì bản thân lời thơ vô cùng xúc động,” TTND.PGS.TS Chung Thủy tâm sự.
Lời thơ của bà mộc mạc, dễ đi vào lòng người “Từ khi em được sinh ra và lớn lên… Em nhận biết có một thế giới tuyệt vời quanh em… Một thế giới nào đó xung quanh mình mà mình chưa biết được. Đó là những nỗi đau, hoang mang, tủi hờn… Và cầu mong, khát khao những điều kỳ diệu…” của những đứa trẻ điếc câm.
“Những đứa trẻ câm điếc bẩm sinh muốn được nghe, được nói”
Sau đó bài thơ của TTND.PGS.TS Trần Phan Chung Thủy đã được Thiếu tướng, TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn phổ nhạc. Ông đã chuyển hóa chất liệu cuộc sống thành những cung bậc cảm xúc, sâu lắng và mang đầy màu sắc lạ quan, tươi sáng.
Sau bài hát “Tháng 5 rực rỡ,” hào hùng với những thăng trầm lịch sử, đã thử thách Việt Nam suốt 4 ngàn năm; và “Thương nhớ Sài Gòn” da diết với những ký ức đậm sâu một thời gắn bó, ông chợt trở nên dịu dàng, như vỗ về yêu thương những đứa trẻ khi phổ nhạc bài thơ “Âm thanh và giọng nói.”
“Em muốn được nghe tiếng chim hót trên cành cây - Giọt mưa rơi trước hiên nhà” và đơn giản nhất “Lời nói yêu thương của cha” và em muốn được nói rằng: “mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều.”
“Nghề y là người thật việc thật, phản ánh từ chuyên môn với những chuyên ngành hẹp. Vì thế, viết ca từ như thế nào để ca từ phù hợp, giai điệu và hình ảnh ẩn dụ trong bài hát đi vào lòng người, tạo nên những xúc cảm chia sẻ, cảm thông và biết ơn. Những đứa trẻ khát khao muốn nghe - muốn nói, nhưng cao hơn đó là âm thanh và giọng nói của cả thế giới rộng lớn. Khát vọng ấy tạo nên thách thức của người thầy thuốc buộc người thầy thuốc phải đi tìm bất cứ phương pháp nào để làm được điều đó,” Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Với Thiếu tướng, TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, âm nhạc đến với ông từ những thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ của người lính, người thầy thuốc và trên hết là từ cuộc sống. Những nhiệm vụ mà cuộc đời đã giao cho ông giúp ông có thể viết lên những bài ca vì những người bệnh, vì những mảnh đời đẹp.
Y học xoa dịu nỗi đau thể xác còn âm nhạc có thể giúp xoa dịu nỗi đau tâm hồn, là những lời thủ thỉ, sẻ chia kết nối những trái tim. Âm nhạc chính là một trong những giải pháp tích cực và hữu hiệu để thư giãn và cân bằng cuộc sống.
Thiếu tướng, TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn đi nhiều, gặp gỡ nhiều số phận, trải nghiệm nhiều hoàn cảnh của cuộc sống và con người. Với ông, những bài hát mình viết ra hay phổ nhạc, như bài hát “Âm thanh và giọng nói”, không chỉ là cảm xúc hay sở thích đơn thuần mà đôi khi còn là một trách nhiệm, một lời nhắn nhủ chính mình, và những thế hệ bác sĩ trẻ đi sau, sứ mệnh của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
“Nhờ có những trái tim hồng, nhờ có những bàn tay vàng, để hôm nay em được nghe tiếng nói yêu thương của mẹ cha; để hôm nay em được nghe… giọng nói của chính em. Đó là niềm hạnh phúc nhất của những đứa trẻ điếc câm ấy và cũng là niềm hạnh phúc không thể đong đếm được của người thầy thuốc…” TTND Nguyễn Hồng Sơn xúc động chia sẻ.
TTND.PGS.TS Trần Phan Chung Thủy chia sẻ, theo một số nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ điếc ở trẻ chiếm từ 1/1000 đến 5/1000. Như vậy, ước tính mỗi năm có thêm sẽ có khoảng 5000 trẻ bị điếc mới trên khoảng 1 triệu trẻ được sinh ra.
“Từ bài hát này cùng với những kết quả tuyệt vời từ cấy ốc tai điện tử cho nhóm trẻ điếc câm bẩm sinh, nhiều nhà tài trợ, nhiều tấm lòng vàng đã hỗ trợ cho thêm rất nhiều trường hợp trẻ bị điếc bẩm sinh được cấy ốc tai điện tử, với mức chi phí hỗ trợ có thể lên đến 400 triệu đồng/ca,” TTND.PGS.TS Trần Phan Chung Thủy bày tỏ.
Theo bà, thời gian vàng tốt nhất để cấy ốc tai điện tử là giai đoạn “trước ngôn ngữ” - trước thời gian trẻ biết nói, để có kết quả tốt nhất. Lúc đó, bộ não trẻ bắt đầu ghi nhận âm thanh, học lại những tín hiệu. Nhiều trường hợp trẻ điếc sâu bẩm sinh (điếc trước ngôn ngữ) khi thực hiện cấy ốc tai điện tử đa kênh, sau khoảng 2 - 3 năm với chương trình hỗ trợ ngôn ngữ trị liệu, hầu hết các em có thể giao tiếp tốt và hòa nhập được trường lớp, xã hội như những trẻ bình thường.
Những con số biết nói
Tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên năm 2022 của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, TS.BSCKII Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết năm 1998 đến nay, các bác sĩ ở đây đã thực hiện cấy ốc tai điện tử cho 637 trường hợp. Các bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử ở độ tuổi từ 2 - 5 (chiếm tỷ lệ 59,3%).
Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử không chỉ gói gọn trong việc khám chữa bệnh thông thường, mà còn thắp lên niềm tin cho nhiều cuộc đời… Và những con số biết nói trên đã giúp các bệnh nhân có khiếm khuyết về thính giác có thể nghe trở lại bình thường, đây chính là giá trị nhân văn to lớn mà bất cứ bệnh viện hay tổ chức y tế nào cũng muốn theo đuổi, thực hiện.
Trước đó, tại lễ trao giải Thành tựu Y khoa Việt Nam vào chiều ngày 26/2/2021, “Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử” của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM được tôn vinh là 1 trong 7 đề cử trong bảng Kỹ thuật cao như một sự công nhận, là một niềm khích lệ động viên lớn lao của ngành y tế và của cộng đồng dành cho thành tựu cấy ốc tai điện tử của bệnh viện.
Nghe kém là một trong những khiếm khuyết giác quan thường gặp, ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hòa nhập cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt trẻ em. Trước đây trẻ khiếm thính bẩm sinh là coi như cả đời phải chịu cảnh sống trong câm lặng, không có tương lai. Những trẻ điếc câm bẩm sinh chỉ có thể vào trường khuyết tật để học giao tiếp bằng tay, bằng đọc hình miệng chứ không còn cách chữa.
Đối với bệnh nhân nghe kém mức độ nặng, điếc quá sâu, nhất là xảy ra ở cả hai tai mà đeo máy trợ thính không hiệu quả, phương pháp tối ưu nhất và mang lại hy vọng là phẫu thuật cấy ốc tai điện tử.
Âm thanh và giọng nói TTND.PGS.TS Trần Phan Chung Thủy Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam
Từ khi em được sinh ra và lớn lên. Em nhận biết có một thế giới tuyệt vời quanh em. Và cũng từ đó là những tháng năm đớn đau. Hoang mang, tủi hờn và cầu mong vẫn khát khao những điều kỳ diệu. Và em muốn được nghe tiếng chim hót trên cành cây, giọt mưa rơi trước hiên nhà và lời yêu thương của mẹ cha. Và em muốn được nói: mẹ ơi con yêu mẹ nhiều… Nhờ có những trái tim hồng, nhờ có những bàn tay vàng, để hôm nay em được nghe tiếng nói yêu thương của mẹ cha. Nhờ có những trái tim hồng, nhờ có những bàn tay vàng, để hôm nay em được nghe giọng nói của chính em. Và hôm nay em được nói lên một câu cảm ơn mọi người, Cảm ơn cuộc đời. |