Theo đó, năm nay Việt Nam có 7 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng này, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 601-800), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (vị trí 601-800), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 601-800), Trường Đại học Duy Tân (vị trí 601-800), Trường Đại học Kinh tế quốc dân (vị trí 601- 800), Trường Đại học Phenikaa (vị trí 801-1000) và Trường Đại học FPT (vị trí 801-1000).
Cả 7 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều được xếp hạng cao ở SDG số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững). Trong đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thứ hạng cao nhất với 70.3 điểm. Trong khi đó, SDG số 11 (Thành phố và cộng đồng bền vững) là 1 trong 3 chỉ số nổi bật của Trường Đại học FPT và Trường Đại học Tôn Đức Thắng; SDG số 16 (Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh) là thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân.
Như vậy, so với năm 2021, năm 2022 Việt Nam có thêm 3 cơ sở giáo dục có tên trong danh sách bảng xếp hạng THE Impact Rankings.
Kỳ xếp hạng năm 2022, trong số 1.406 cơ sở giáo dục đại học đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 228 cơ sở giáo dục so với năm 2021) xếp hạng trong THE Impact Rankings, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tham gia xếp hạng tại 7 mục tiêu.
THE Impact Rankings hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc (có hiệu lực kể từ năm 2016), kêu gọi hành động toàn cầu với mục tiêu xây dựng xã hội hoà bình, công bằng và thịnh vượng. Nói cách khác, Bảng xếp hạng này đánh giá tầm ảnh hưởng (Impact) và đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sống.
Theo An Vi / Ngày Mới Online