Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 đối với giáo dục thường xuyên (GDTX).
93,32% học viên học chương trình GDTX đỗ tốt nghiệp THPT
Theo Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) Hoàng Đức Minh, năm học 2021-2022, quy mô và mạng lưới các cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định. Nhiều trung tâm đã bắt đầu thực hiện việc đa dạng hóa các chương trình GDTX, khắc phục những khó khăn nhất định sau đại dịch COVID-19. Một số địa phương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh để đầu tư xây dựng các phòng học mới khang trang, trang bị phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ cho các trung tâm...
Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT (mới), Bộ GD&ĐT đã chủ động tập huấn cốt cán cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các địa phương, xây dựng các nội dung tập huấn đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Mặc dù năm học 2021-2022, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng ngành GD cố gắng đồng hành và đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để giúp các học viên GDTX tham gia học tập, hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2021-2022; duy trì hoạt động dạy và học đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng cho học viên để hoàn thành chương trình năm học và đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương đều bố trí giáo viên có kinh nghiệm để dạy học lớp 12, các kỳ thi học kỳ I, II đều do Sở GD&ĐT tổ chức thi chung để đánh giá chất lượng học viên. Từ đó, có những biện pháp ôn tập cho phù hợp với trình độ nhận thức học viên, đảm bảo những học viên này có đủ trình độ, điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, 93,32% học viên học chương trình GDTX trên toàn quốc đỗ tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, như nhiều trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp-GDTX chưa năng động, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn ở các trung tâm giaos dục nghề nghiệp-GDTX hiệu quả chưa cao; công tác bồi dưỡng thường xuyên một số đơn vị triển khai còn chậm so với yêu cầu.
7 nhiệm vụ trọng tâm của GDTX trong năm học 2022-2023
Vụ trưởng Vụ GDTX Hoàng Đức Minh nêu 7 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả chương trình xóa mù chữ và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học viên học chương trình xóa mù chữ.
Thứ tư, đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX.
Thứ năm, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX. Đối với Chương trình GDTX cấp THCS và THPT, tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học viên.
Thứ sáu, tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; quan tâm khuyến khích hệ thống cơ sở GDTX ngoài công lập phục hồi, hoạt động ổn định sau thiên tai, dịch bệnh. Chú trọng tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT đối với các cơ sở GDTX. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đảm bảo chất lượng các chương trình GDTX.
Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Đa dạng hóa chương trình trong các cơ sở GDTX
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý thêm những nội dung mà GDTX cần lưu ý trong năm học 2022-2023: Năm học 2022-2023 phải an toàn về dịch. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT với lớp 10 rất cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành. Quá trình triển khai thực hiện chương trình điều quan trọng là thay đổi về phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá, kiểm tra.
Về việc thực hiện xã hội học tập, về phía địa phương, sở GD&ĐT sẽ chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng ban chỉ đạo xã hội học tập. Ban chỉ đạo sẽ giao cho Sở GD&ĐT làm đơn vị xây dựng kế hoạch giao cho sở, ban, ngành thường xuyên 6 tháng hoặc 1 năm tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả với UBND tỉnh, thành phố về việc hoạt động xây dựng xã hội học tập. Xã hội hóa học liệu các nguồn lực, biến tất cả các nguồn thành chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh về việc đổi mới công tác quản lý, đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX, cần tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá.
Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ