1. Hoàn thiện khung khổ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng phát huy dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hai văn bản quan trọng ban hành trong năm 2022 đó chính là việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết nghị, ban hành Nội quy Kỳ họp sửa đổi và Quy chế làm việc của UBTVQH.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, cùng quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội...
2. Tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và nhiều vấn đề quan trọng quốc gia. Đây được coi là một “quyết định lịch sử” của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua.
Quyết định này cho thấy khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích Nhân dân.
3. Hoạt động ngoại giao nghị viện sôi nổi, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; lần đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, song hành với quan hệ trên kênh Đảng và Chính phủ.
Đáng chú ý nhất ở hoạt động này là sự kiện ngoại giao nghị viện tiêu biểu năm 2022 đó là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Lào ký Tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và thông qua Quy trình thủ tục của Hội nghị, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình hợp tác của Chính phủ 3 nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực và bền vững.
4. Công tác dân nguyện trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày càng đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, nhân dân
Trong thời gian qua, đã chú trọng đổi mới công tác dân nguyện, ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.
5. Khởi dựng các diễn đàn thường niên về Kinh tế- Xã hội và Văn hóa. Nội dung diễn đàn tập chung vấn đề củng cố cơ sở khoa học để triển khai nhiệm vụ trung tâm về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức Ra mắt Bộ nhận diện mới và Vị trí kênh 7 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Công An Nhân Dân.
6. Lần đầu tiên ban hành Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam và Bộ nhận diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Bộ nhận diện Quốc hội với hình ảnh chủ đạo là Nhà Quốc hội Việt Nam - công trình trọng điểm quốc gia, có kiến trúc biểu trưng tiêu biểu cho triết lý văn hóa dân gian của Việt Nam về quan niệm âm - dương "trời tròn, đất vuông" (dài 102m, rộng 102m, cao 39m)...
Việc xây dựng Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện của Quốc hội với cử tri và nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị và hợp tác Nghị viện các nước trên thế giới.
7. Thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỷ đồng.
Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia trong năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỷ đồng gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuật, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP.HCM...
8. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được xem xét, thảo luận trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, dần cụ thể hóa định hướng, các khung chính sách lớn đối với quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới của Bộ Chính trị.
Nhằm phát huy dân chủ, khai thác tối đa trí tuệ của cử tri, nhân dân cả nước đối với hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật từ ngày 3/1 đến 15/3/2023.
9. Đổi mới hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Việc tổ chức giám sát được thực hiện bài bản, có sự đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn.
Thể chế giám sát của Quốc hội năm 2022 không ngừng được hoàn thiện, cách thức tổ chức thực hiện ngày càng được cải tiến, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Các Tổ công tác giám sát xuống làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát trước khi Đoàn giám sát làm việc nhằm thu thập thông tin, củng cố số liệu, thực trạng nội dung giám sát...
10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường kết nối, hướng dẫn và giám sát hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp. UBTVQH đã triển khai một số hoạt động nhằm tăng cường việc kết nổi Quốc hội với HĐND các cấp.
Ngoài ra, ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực triển khai hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.