Xóa bỏ "nô lệ thời hiện đại"

07/09/2022 16:53

Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lí do khiến một số người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị biến thành "nô lệ thời hiện đại"...

Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), tính đến năm 2016, có khoảng 40 triệu người là nạn nhân của chế độ "nô lệ hiện đại", trong đó có 25 triệu người là lao động cưỡng bức. Đáng quan ngại, theo báo cáo, cứ một trong 4 nạn nhân của "nô lệ hiện đại" là trẻ em, và có tới 70% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Ravi Shanker Kumar người Ấn Độ từng là lao động trẻ em bị ép buộc làm việc tại một xưởng dệt thảm chật hẹp và thiếu ánh sáng ở Uttar Pradesh. Vì nghèo đói, khi Kumar 12 tuổi, cha mẹ đã đổi anh lấy 10 USD. Từ đó, Kumar phải làm việc không công từ 12 - 15 giờ/ngày, 7 ngày 1 tuần. Kumar bị đánh đập, tra tấn, bị bỏ đói, không đủ quần áo mặc và không được điều trị nếu bị thương khi làm việc.

Một khu trại tạm ở Grande-Synthe, ngoại ô Dunkirk, miền Bắc nước Pháp ngày 12-5-2022
Một khu trại tạm ở Grande-Synthe, ngoại ô Dunkirk, miền Bắc nước Pháp ngày 12-5-2022

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã gây ra "những tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người" khi những kẻ buôn người lợi dụng để lôi kéo, lừa đảo những người gặp khó khăn về kinh tế đi tìm "miền đất hứa". Tháng 7 vừa qua, cảnh sát 5 nước châu Âu đã triệt phá mạng lưới tội phạm chuyên buôn bán người di cư, đưa trái phép khoảng 10.000 người đến châu Âu trong hơn 1 năm. Cũng tháng 7, nhà chức trách Brazil đã giải cứu được 337 lao động nô lệ từ các đồn điền cà phê và các trang trại gia súc…

Tại châu Á - Thái Bình Dương, tình hình tội phạm mua bán người ngày càng phức tạp, tinh vi, với nhiều hình thức như tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… nhưng để lừa bán, ép buộc, cưỡng bức lao động. Báo cáo của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết, châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong trở thành "điểm nóng" về tình trạng buôn bán người. Số nạn nhân bị mua bán ở khu vực này là khoảng 11,7 triệu người, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái. Theo nhật báo The Age (Australia), tại các cơ sở ở một số nước Đông Nam Á, nhiều người hiện đang bị "mắc kẹt" trong điều kiện làm việc và sinh sống nô lệ hiện đại và phải chịu sự đối xử khủng khiếp nếu tìm cách bỏ trốn.

Rõ ràng, việc chấm dứt chế độ "nô lệ hiện đại" đòi hỏi những phản ứng tổng hợp, phù hợp với từng môi trường cụ thể, mà trước hết tập trung vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết thất nghiệp, bạo hành, phân biệt đối xử, bị gạt ra bên lề xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và với các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan trong các lĩnh vực như thực thi pháp luật lao động, thực thi pháp luật hình sự và quản lí di cư nhằm ngăn chặn nạn buôn người và giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức qua biên giới.

Đặc biệt, công tác phòng chống nạn buôn người đang được các nước đẩy mạnh. Năm ngoái, lực lượng chức năng châu Âu phát hiện và ngăn chặn hơn 900 vụ buôn người. Mỹ ra mắt lực lượng đặc nhiệm chống buôn người, đồng thời phối hợp với Mexico và các nước Trung Mỹ thành lập nhóm phản ứng nhanh chống buôn người. Tại Đông Nam Á, đầu tháng 8 này, Indonesia và Campuchia đã thảo luận việc hợp tác ngăn chặn nạn buôn người, như điều tra chung, hỗ trợ pháp lí lẫn nhau, thiết lập đội phản ứng nhanh và kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát hai nước về việc xử lí các vụ mua bán người...

Từ ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới tới xóa bỏ chế độ "nô lệ thời hiện đại" là một cuộc chiến cam go, đòi hỏi sự chung tay phối hợp và đổi mới hành động trên phạm vi toàn cầu.

Theo Minh Ngọc (tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp