Vòng xoáy chưa có hồi kết

13/04/2022 10:59

Tại 3 sự kiện gồm: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra cuối tuần trước tại Thủ đô Brussels (Bỉ) đều xoay quanh chủ đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine - cho thấy sức nóng của vấn đề cả trên thực địa lẫn ở các nước liên quan...

Đặc biệt, khác với một số hội nghị gần đây chỉ tham dự trực tuyến, lần này Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã xuất hiện trực tiếp tại trụ sở NATO ở Brussels với thông điệp ngắn gọn, rõ ràng: "Chỉ có 3 thứ, là vũ khí, khí tài và vũ khí".

Tại cả ba hội nghị này, lãnh đạo của các liên minh quân sự, kinh tế và chính trị đều quyết định tăng cường hỗ trợ Ukraine, đồng thời gia tăng sức ép với Nga, trong khi nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Hơn 1 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, có thể thấy, NATO, G7 và EU đang chuẩn bị cho một cuộc chiến leo thang và dài hơi. EU siết chặt vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga, với việc thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá, cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh. G7 nhất trí cấm các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Tôi đã kêu gọi các nước đồng minh tiếp tục hỗ trợ theo nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, với cả các loại vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng".

Tại 3 sự kiện gồm: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra cuối tuần trước tại Thủ đô Brussels (Bỉ) đều xoay quanh chủ đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine - cho thấy sức nóng của vấn đề cả trên thực địa lẫn ở các nước liên quan...
Các nhà lãnh đạo G7 tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 24-3-2022

Tuyên bố này cho thấy một sự thay đổi lớn trong NATO. Mới chỉ cách đây 2 tuần, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về một "lằn ranh đỏ", đó là việc NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến. NATO thời điểm đó khẳng định sẽ tiếp tục chuyển giao "vũ khí phòng thủ" cho Ukraine, nhưng không ai nghĩ đến việc gửi xe tăng và máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông Stoltenberg đã xóa bỏ sự phân biệt trước đây giữa "vũ khí phòng thủ" và "vũ khí tấn công", nhấn mạnh rằng Ukraine lúc này cần cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng. Nói một cách dễ hiểu hơn: Xe tăng, pháo và tên lửa đạn đạo - những thứ có thể được sử dụng để đánh chìm tàu chiến Nga, giờ đây cũng sẽ được coi là "hệ thống phòng thủ"…

Nga lâu nay vẫn lo ngại về kịch bản Ukraine trở thành thành viên NATO, khi ấy, thời gian bay của các tên lửa đặt tại Ukraine sang Moskva được giảm xuống còn 5 phút, giúp NATO, với chiến lược răn đe bằng vũ khí hạt nhân, có thể thực hiện tấn công phủ đầu vào cơ cấu lãnh đạo chính trị và quân sự Nga, loại bỏ một cuộc phản công từ Nga. Tuy nhiên, những lo ngại này của Moskva đã bị NATO phớt lờ, lời kêu gọi gần đây của Nga về các cuộc đàm phán bảo đảm an ninh, trong đó có quy chế trung lập đối với Ukraine tiếp tục bị bác bỏ. Sợi chỉ gắn kết còn lại là Thỏa thuận hòa bình Minsk cũng không được thực thi một cách đầy đủ.

Giới phân tích nhận định với tình hình căng thẳng hiện nay, quan hệ kinh tế Nga/phương Tây sẽ bị đóng băng trong nhiều năm tới, trong khi các mối quan hệ chính trị sẽ có "đặc trưng" là sự thù địch và cảm giác đe dọa quân sự lẫn nhau. Phương Tây cũng sẽ chịu gánh nặng từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khi số người di cư gia tăng, lạm phát cao (các nước khu vực đồng euro là 5,8%, Mỹ 8%), suy giảm tăng trưởng kinh tế, thiếu năng lượng, đất hiếm... Hậu quả địa chính trị cũng nhãn tiền khi Nga ngày càng rời xa EU, đồng thời, một làn sóng tái vũ trang và quân sự hóa mới đang được khơi mào.

Căng thẳng, trừng phạt và đáp trả lẫn nhau đang khiến NATO, EU và Nga rơi vào vòng xoáy không hồi kết. Trong khi đó, cả thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, cùng những mối đe dọa an ninh chung. Thay vì đối đầu, mỗi thành viên trong cộng đồng quốc tế cần thể hiện trách nhiệm, hợp tác xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Hiến chương Liên Hợp Quốc, công lí, phát triển và bền vững cho tất cả các quốc gia và người dân.

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp