Phiên họp có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) Qu Dongyu, Tổng giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cùng đại diện hơn 80 nước thành viên LHQ.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển.
Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh các nỗ lực nhân đạo, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột.
Đại diện Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của LHQ, FAO, WFP và các nhà tài trợ quốc tế trong ứng phó với nạn đói; mong muốn LHQ và các đối tác kịp thời chia sẻ thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra hoặc làm trầm trọng thêm, qua đó có thể có phản ứng kịp thời.
Đại sứ Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự, được nhấn mạnh trong các Nghị quyết 2417 và 2573 của Hội đồng Bảo an (HĐBA).
Nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam mong muốn trở thành một "Trung tâm sáng tạo về lương thực" của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Cũng tại phiên họp này, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên HĐBA, tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy chấm dứt xung đột và việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đồng thời tăng cường các nỗ lực phát triển bền vững, giải quyết các thách thức đan xen về lương thực, năng lượng và tài chính trong bối cảnh hiện nay.
Trong phát biểu của mình, nhiều nước cho rằng thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt và giải quyết xung đột là giải pháp lâu dài, toàn diện để chấm dứt tình trạng mất an ninh lương thực, đồng thời kêu gọi thúc đẩy thương mại toàn cầu cũng như bảo đảm các chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối lương thực./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ