Hành động của M5S được xem như "giọt nước tràn li" bởi cuộc bỏ phiếu này là một phép thử đối với sự đoàn kết của chính phủ liên minh tại Italy và uy tín của Thủ tướng Draghi. Trong đó, Dự luật Aiuti được đa số liên minh ủng hộ, song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp giá trị cốt lõi của đảng. Vì vậy, việc chính phủ sụp đổ đã được dự đoán trước, dù xảy ra một cách khó tin.
Nhà nghiên cứu Lorenzo Mariani thuộc Viện Các vấn đề quốc tế (IAI) Italy cho rằng cuộc khủng hoảng chính phủ lần này khá phức tạp. Chính phủ sụp đổ trước hết do thiếu sự ủng hộ của M5S và quyết định không bỏ phiếu sau đó của hai đảng Liên đoàn và Forza Italia. Bên cạnh đó, chính phủ của ông Draghi còn thường xuyên chịu sự công kích của đảng Anh em Italy, đảng đối lập duy nhất và dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ theo các kết quả thăm dò ý kiến gần đây.
Ông Pietro Masima, Giáo sư lịch sử châu Á của Đại học phương Đông Napoli, nêu rõ nguyên nhân khủng hoảng là một số đảng đã tìm cách trở nên khác biệt và gây ra căng thẳng trong chính phủ để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, khi đó được dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023. M5S đưa ra nhiều yêu sách dẫn đến khủng hoảng chính phủ. Phe trung hữu đã lợi dụng tình hình này để đẩy chính phủ sụp đổ…
Các học giả trên đều nhất trí rằng tình hình sắp tới là khó đoán định. Về cuộc bầu cử quốc hội, đây là lần đầu tiên trong khoảng 100 năm qua, cử tri Italy đi bỏ phiếu vào tháng 9 và chiến dịch tranh cử trùng với khoảng thời gian nghỉ hè, nóng nhất trong năm. Vì vậy, chiến dịch tranh cử vốn đã khó khăn, chắc chắn sẽ càng phức tạp. Một điểm đáng lưu ý nữa là số nghị sĩ được bầu trong quốc hội mới sẽ ít đi, đồng nghĩa với việc sẽ không còn đa dạng sắc thái chính trị như trước đây và đặc biệt có thể sẽ không còn sự hiện diện của một số đảng nhỏ, vốn giữ vai trò quan trọng trong các liên minh.
Theo Giáo sư Parenti, trong 2 tháng tới, tất cả các lực lượng chính trị Italy đều phải sắp xếp lại đội hình cho cuộc bầu cử. Ngay từ bây giờ, một cuộc đua nhằm thành lập các liên minh mới giữa phe trung hữu và trung tả bắt đầu khởi động. Trước mắt, có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, phe trung tả được mở rộng bao trùm các nhóm trung dung và đủ khả năng giành kết quả tốt trong cuộc bầu cử, từ đó đề nghị ông Draghi làm thủ tướng một lần nữa. Hai là, phe trung hữu tận dụng lợi thế vượt trội và chiến thắng để mở ra một chu kì mới, không mang ý nghĩa tích cực, xét ở khía cạnh độc lập và tự chủ của Italy trong xây dựng chính quyền.
Tuy nhiên, Giáo sư Masima cho rằng khó dự đoán triển vọng sắp tới vì các đảng sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, cũng như quyết định cương lĩnh tranh cử để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay, phe trung hữu sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Cần chờ xem hình thức thỏa thuận nào sẽ được hình thành giữa các lực lượng và phe trung hữu có thực sự đoàn kết hay không.
Về những thách thức của chính phủ tương lai, nhà nghiên cứu Mariani đánh giá thời gian tới là giai đoạn then chốt đối với Italy, với nhiều vấn đề nội bộ cần phải giải quyết. Nếu không có những cải cách cơ cấu hiệu quả, các yếu tố không chắc chắn như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đình trệ kinh tế và lạm phát gia tăng sẽ gây ra khó khăn lớn cho chính phủ tương lai. Trong trường hợp phe trung hữu chiến thắng, chính phủ sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với EU, khác xa với quan điểm ủng hộ châu Âu và Đại Tây Dương của ông Draghi. Uy tín quốc tế của Italy nhiều khả năng sẽ sụt giảm...
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online