Trong lành Phương Bối, nẻo về an yên

25/01/2023 15:25

Giờ đây, đồi thông Phương Bối không còn là cái tên xa lạ với giới trẻ thích check in những cảnh đẹp hoang sơ, ngút ngàn. Phương Bối đã quá nổi tiếng. Sự nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của hai vị thiền sư đã từng lưu dấu chốn này để tu tập là Thích Nhất Hạnh và Thích Thanh Từ. Có lẽ vì vậy, mà Phương Bối mặc nhiên hiện hữu cái không khí an yên, trầm mặc, thanh tịnh đến an lòng. Ẩn náu vào đây, bạn như thoát khỏi ồn ào phố thị, khói bụi ngựa xe; bỏ mặc mọi bon chen, toan tính đời thường.

 

Đến Phương Bối vào tầm tháng 11-12, trong tiết trời dịu nhẹ, nắng mỏng tựa khói sương, pha lẫn chút lành lạnh đặc trưng của đất trời Bảo Lộc, thả hồn chậm trên con đường dốc quanh co yên bình dẫn vào đồi thông, hai bên cỏ dại và những khóm dã quỳ vàng rực như reo vui cùng bước chân lãng tử.

Dạo chơi Phương Bối, trong rừng thông bạt ngàn hơn chục héc-ta, là những trảng cỏ xanh chen chúc cùng thông, cùng những cành khô trụi lá, những mảng dương xỉ với vô số loài mà tôi không biết tên cùng hiện diện. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đồi này vẻ hoang sơ, trong trẻo, được con người lưu giữ cho đến giờ, tạo thành một nét riêng không trộn lẫn.

Chỉ cách hơn trăm cây số, Đà Lạt phồn hoa nhộn nhịp, tất bật thị thành thì Phương Bối vẫn giữ cho mình nét mộc mạc, hoang dại. Tựa như những kiến thiết đổi thay, những hiện đại hóa nông thôn đã không chạm được vào “cô nàng Phương Bối” bình dị nhưng thực ra lại rất kiêu kỳ!


Phương Bối giờ bừng sức sống hơn khi có sự điểm xuyết nhẹ của quán cơm chay Phương Bối và quán cà phê Ngày về trên khoảnh đồi thông bát ngát. Đây là quán của hai cô con gái nhà thơ Nguyễn Đức Sơn - người tha thiết yêu thông và gìn giữ hồn cốt cho ngọn đồi này.

Không biết vì ăn chay từ trong bụng mẹ đến tận bây giờ, hay do người nấu đặt hết tâm tư vào cuộc nấu, hoặc có lẽ là cả hai, cùng bầu không khí yên ả nơi này, cùng nhịp sống chầm chậm trôi... mà hương vị thức ăn sao ngon lành, thanh tao quá đỗi. Vị ngọt tự nhiên của rau củ quả, của nấm, thêm của lòng người như quyện vào nhau. Nguyên liệu được cô chủ Phương Bối chọn lựa khắt khe, từ ngọn rau, cọng hành cho đến trái chanh, trái ớt... nên nó thừa sức kéo thực khách mãi tận phương xa, hễ có dịp ngang qua Bảo Lộc là phải ghé vào. Đến Phương Bối, ăn một lần là nhớ mãi!

Ngồi ở Ngày về, bạn có thể đắm mình trong không gian xanh mướt của thông, nghe gió lẫn thông vi vu kể chuyện đại ngàn. Những buổi sáng mờ sương hay khi hoàng hôn giăng phủ, trong cái lạnh của núi rừng, quây quần sưởi ấm bên bếp lửa hồng, nghe tiếng củi khô cháy lép bép bên nồi đậu phộng, bắp, khoai lang... luộc hay vùi tro nóng, tha hồhoài niệm hương vị tuổi thơ…


Phương Bối yên bình, Phương Bối nên thơ. Bởi không “ngựa xe như nước” nên Phương Bối vẫn còn giữ được cho riêng mình vẻ huyền bí, trầm mặc giữa mênh mông phố núi. Dạo bước giữa rừng thông, men theo những con đường mòn len lỏi, bạn sẽ bắt gặp dăm ba phiến đá ẩn thấp sâu trong lau cỏ dại, trơ ra từ cái am đã lụi tàn - chỉ dấu còn sót lại của thiền sư Thích Nhất Hạnh; hay ngôi nhà gỗ rêu phong năm tháng mà thiền sư Thích Thanh Từ đã ở trong những tháng nămhành thiền với mười trụ đá đến nay vẫn còn; là nơi thi sĩ Nguyễn Đức Sơn thiên thu tình tự cùng thông hay thấp thoáng xa xa, một ngôi nhà nhỏ với tông màu nâu vàng ẩn mình lặng lẽ, hiu quạnh...

Một người con trai của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn đã từng nói: “Phương Bối là nơi để chúng ta về, chứ không phải là nơi để chúng ta đến”. Thật vậy, những lúc chênh chao, bạn hãy về Phương Bối một lần, để tận hưởng thiên nhiên tươi mát, để hít thở không khí trong lành. Về, để còn kịp cảm nhận một Phương Bối hoang sơ nhẹ nhàng, bình an trong trẻo; để lắng lòng nghe dư vị thiền xa xăm như còn vang vọng;để biết nâng niu và trân trọng những mảng xanh đang có quanh mình!

Phước Ngọc

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp