Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đức và Nhật Bản

05/05/2022 09:24

Đức và Nhật Bản tìm cách tăng cường mối quan hệ trong chuyến thăm Tokyo của Thủ tướng Olaf Scholz. Các nhà phân tích cho rằng Berlin và Tokyo đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa chính trị và quốc phòng tương tự nhau...

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Nhật Bản trong chuyến thăm 2 ngày để gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Với cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, các vấn đề an ninh được cho là chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của chuyến thăm đầu tiên mà Thủ tướng Đức thực hiện tới châu Á.

Ông Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Nhật Bản đối với Đức, và Berlin sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hướng về châu Á, bất chấp những thách thức đang nổi lên ở châu Âu. Theo các nhà phân tích, hai nhà lãnh đạo đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa chính trị và quốc phòng tương tự nhau.

Về điểm tương đồng, Tokyo và Berlin đều phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva, mặc dù hai nước từ chối cấm năng lượng Nga.

Thủ tướng Đức Scholz và người đồng cấp Nhật Kishida gặp nhau tại cuộc họp của nhóm G7 ở Brussels ngày 24/3/2022
Thủ tướng Đức Scholz và người đồng cấp Nhật Kishida gặp nhau tại cuộc họp của nhóm G7 ở Brussels ngày 24/3/2022

Nhật Bản đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự gồm mũ, áo giáp chống đạn và một lượng lớn vật tư y tế, nhưng tuyên bố không thể chuyển giao vũ khí. Tương tự, khi xung đột bắt đầu, Đức chỉ đề nghị hỗ trợ phi sát thương cho Ukraine, nhưng mới đây đã đảo ngược nguyên tắc chính sách đối ngoại là không giao vũ khí cho các khu vực xung đột, thông báo sẽ giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Mặc dù cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu, nhưng ở châu Á, các chính sách của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương được các nước phương Tây coi là một thách thức, thậm chí còn lớn hơn đối với trật tự toàn cầu.

Bà Mieko Nakabayashi, cựu chính trị gia của Đảng Dân chủ đối lập của Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đánh giá cao quyết định của Berlin về việc cử tàu khu trục nhỏ Bayern của Đức thăm Nhật Bản vào tháng 5 năm ngoái. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Đức sau 20 năm và tàu này đã tham gia một loạt các cuộc tập trận với các đơn vị hàng hải và hải quân Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi khi đó tuyên bố rằng việc triển khai là minh chứng quan trọng cho mối quan hệ an ninh gắn bó giữa hai lực lượng và hai quốc gia. Chính phủ Đức lần đầu tiên công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019 dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Kể từ đó, Đức đã và đang thể hiện sự hiện diện ngày càng tăng ở khu vực này.

Thực tế, kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ và Trung Quốc là mối lo ngại hiện hữu, Chính phủ Nhật Bản đưa ra đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và phát triển các năng lực mới trong không gian chiến tranh mạng và nâng cao các năng lực chiến đấu thông thường khác. Thủ tướng Kishida cũng bắt đầu một lịch trình ngoại giao đầy tham vọng khi tìm cách định vị Nhật Bản như là trung tâm của các cuộc thảo luận về Ukraine, Trung Quốc và Triều Tiên.

Norihide Miyoshi, cựu phóng viên người Đức của nhật báo lớn nhất Nhật Bản, Yomiuri Shimbun cho biết: "Đức là một trong những đối tác tin cậy hiếm hoi của Nhật Bản trên thế giới. Sự phối hợp và hợp tác với Đức là rất quan trọng đối với Nhật Bản để đối phó với Nga và Trung Quốc". Chuyến thăm là cơ hội tốt để tìm hiểu quan điểm của ông Scholz trong bối cảnh hình ảnh của Đức tại Nhật Bản vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi cựu Thủ tướng Angela Merkel, người được đánh giá cao là một chính trị gia "có năng lực và có ảnh hưởng"…

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp