Trải qua nhiệm kì đầu "đầy vất vả", với những thử thách gai góc như phong trào "Áo vàng", Samuel Paty, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Ukraine…, ông Macron đã thu một số thành tích không xuất sắc nhưng cũng không tệ, đủ giúp ông ở lại Điện Elysée thêm một nhiệm kì.
Cải thiện sức mua cho các gia đình trong thời buổi giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng vọt và viễn cảnh kinh tế khó khăn là mối quan tâm lớn nhất của người dân Pháp. Theo thăm dò của Ipsos Sopra-Steria trước bầu cử, 51% người Pháp coi đây là tiêu chí ưu tiên hàng đầu để lựa chọn một tổng thống mới, sau đó mới đến các vấn đề cải cách hệ thống y tế (32%), cải thiện môi trường (30%) và quản lí người nhập cư (29%). Mặc dù được cải thiện sau 5 năm, nhưng sức mua vẫn chưa thỏa mãn được mong mỏi của các gia đình. Để thay đổi tình hình, chính phủ của ông sẽ phải nỗ lực "thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn", tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế "mà không làm tăng thêm gánh nợ", "giảm tỉ lệ thất nghiệp như những gì đã làm trong 5 năm qua để có thêm một nguồn thu tương ứng 35 tỉ euro" và "tăng tuổi nghỉ hưu, giúp ngân sách có thêm 9 tỉ euro". Các biện pháp "số hóa, đơn giản hóa và xóa bỏ bộ máy quan liêu" để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng được ông nhắc đến.
Thách thức thứ hai đeo đuổi ông Macron suốt nhiệm kì mới chính là những vấn đề về khí hậu và môi trường. Đây là chủ đề được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp xã hội Pháp, đặc biệt là giới trẻ. Nhiệm vụ càng nặng nề hơn khi cả nước Pháp và châu Âu muốn giảm tối đa sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh căng thẳng của thị trường thế giới…
Như một "món nợ" không thể trì hoãn, cải cách hưu trí là một dự án lớn trong các cam kết của nhiệm kì trước nhưng ông Macron chưa thể thực hiện. Ông muốn nâng dần thời điểm nghỉ hưu lên 64 hoặc 65 tuổi, nâng mức tiền hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng và hạ mức tuổi về hưu đối với lao động các ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Nhưng làm sao để bảo đảm công bằng giữa các tầng lớp người lao động vốn có những nguyện vọng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau? Làm sao thu hẹp những bất bình đẳng tồn tại dai dẳng, giúp những người "không có được phương tiện đủ sống xứng đáng ngay cả khi họ phải làm việc vất vả", như ông phát biểu sau bầu cử vòng một, để tránh tái diễn những phản kháng như phong trào "Áo vàng"?
Trong những nhiệm vụ trọng tâm còn lại, an ninh nội địa và quản lí người nhập cư cũng là chủ đề mà chính phủ của ông Macron phải có sự cải cách sau những dang dở của nhiệm kì trước, nhằm bảo đảm "an toàn cho cuộc sống thường nhật" của người dân.
Về y tế, Tổng thống Macron và chính phủ sẽ thực hiện "một cuộc cách mạng tổng thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho các bệnh viện, tái tổ chức và thay đổi điều kiện làm việc cho toàn bộ hệ thống sau những xáo trộn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tăng thù lao cho đội ngũ chăm sóc y tế.
Vấn đề cuối cùng, nhưng có thể chi phối tất cả là mục tiêu giảm thâm thụt ngân sách nhà nước và gánh nợ công hiện đạt mức kỉ lục 2.834 tỉ euro so với 2.275 tỉ giữa năm 2017. Điều khó nhất với tổng thống Macron và chính phủ là phải cân đối, bổ sung các nguồn tài chính để tiến hành các dự án cải cách trong những khó khăn phía trước.
Về đối ngoại, trong cuộc tranh luận giữa ông Macron với đối thủ Marine Le Pen trước vòng hai, chủ đề đối ngoại chỉ dừng ở châu Âu và quan hệ với Nga, các vấn đề khác không được nhắc đến. Điều này cho thấy chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Pháp trước hết tập trung vào lợi ích sát sườn tại châu Âu, mà quan hệ với Nga và trong NATO sẽ được đặt lên hàng đầu…
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online