Tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga sau 4 tháng

29/06/2022 10:02

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang đánh giá tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau xung đột ở Ukraine, cân nhắc khả năng gia tăng sức ép đối với Moskva bằng các lệnh trừng phạt mới…

Phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt tài chính, thương mại và du lịch đối với Nga bắt đầu từ cuối tháng 2/2022 để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo Gerard DiPippo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tác động tài chính ngắn hạn của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất đáng kể nhưng dường như đã suy giảm kể từ tháng 5 năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ưu tiên ổn định tỉ giá hối đoái sau làn sóng trừng phạt đầu tiên, trong đó có việc đóng băng khoảng một nửa dự trữ quốc tế của CBR. CBR đã tiến hành các biện pháp kiểm soát vốn và tăng lãi suất. Đồng rúp đã giảm hơn 40% so với đồng USD ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga nhưng sau đó tăng lên trên mức trước xung đột vào cuối tháng 4. Đến giữa tháng 6, tỉ giá và thanh khoản khu vực ngân hàng đã trở lại mức trước xung đột.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn bảo đảm được nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn bảo đảm được nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ.

Vào tháng 5, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nguồn cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc. Các nhà lọc dầu Ấn Độ đang tìm kiếm một hợp đồng sáu tháng để tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Khả năng Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga sẽ quyết định phần lớn đến sự hiệu quả của gói trừng phạt thứ 6 từ EU, vốn cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Các nước phương Tây đang tranh luận về các biện pháp trừng phạt mới nhằm giảm nguồn thu năng lượng của Nga trong khi giảm thiểu sự gián đoạn đối với các dòng năng lượng toàn cầu, điều này sẽ đẩy giá lên cao hơn. Một ý tưởng có thể được phương Tây đưa ra là cấm các công ty bảo hiểm của họ bảo đảm cho các tàu chở dầu của Nga. Tàu thương mại bắt buộc phải có bảo hiểm. Tuy nhiên, hiệu lực của lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển là không rõ ràng.

Một ý tưởng khác là các nước liên kết chống lại Nga có thể điều phối việc nhập khẩu dầu của họ và đặt ra mức giá tối đa mà họ phải trả cho dầu của Nga. Điều này sẽ cho phép dầu tiếp tục chảy nhưng làm giảm doanh thu mà Moskva nhận được từ những mặt hàng xuất khẩu đó.

Ý tưởng thứ ba là các nhà nhập khẩu năng lượng áp đặt mức thuế lớn đối với năng lượng của Nga. Tuy nhiên, thuế quan sẽ được trả bởi người mua chứ không phải người bán, theo đó có thể chỉ làm giảm doanh thu của Nga trong chừng mực nhất định và vẫn nguy cơ đẩy giá lên cao hơn.

Trong tất cả các trường hợp trên, trọng tâm của phương Tây vẫn là dầu mỏ của Nga thay vì khí đốt tự nhiên, vì châu Âu sẽ khó thay thế hơn rất nhiều. Mặt khác, Moskva có thể trả đũa bất kì hành động nào bằng cách đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu hoặc từ chối bán dầu ở mức giá giới hạn.

Tóm lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế là một quyết định chính trị. Với Mỹ, khi giá cả hàng hóa đã tăng cao và lạm phát ở Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm, Washington khó có thể theo đuổi bất kì hành động nào khiến lạm phát tồi tệ hơn, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kì vào tháng 11 tới. Các mục tiêu trong nước và quốc tế đã có sự xung đột, đặc biệt là ở Washington, và các ưu tiên trong nước có thể sẽ chiếm ưu thế.

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp