Trong bối cảnh Sri Lanka đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong bảy thập kỉ, một thảm họa năng lượng cũng đang rình rập nước này. Nếu không nhanh chóng thành lập chính phủ mới để đề ra ngân sách tạm thời và cải cách tiền tệ, cũng như hỗ trợ tài chính từ các nước láng giềng, nước này có thể sớm cạn kiệt nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.
Những lo ngại có cơ sở về việc các kho dự trữ xăng dầu sẽ sớm cạn kiệt, khi Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera hồi đầu tháng thông báo rằng, nước này chỉ còn đủ xăng trong chưa đầy 1 ngày, dựa trên mức tiêu thụ bình thường, do chỉ còn gần 13.000 tấn dầu diesel và hơn 4.000 tấn xăng còn lại trong kho dự trữ.
Chuyến hàng cung cấp xăng tiếp theo dự kiến có sau hơn hai tuần. Hiện nước này đã ngừng bán xăng và dầu diesel cho các loại xe không thiết yếu, nhưng nó có thể cạn kiệt ngay cả đối với loại phương tiện vận tải trên.
Ngay cả khi các chuyến hàng nhiên liệu đến sớm, Sri Lanka cũng không có đủ tiền để trang trải chi phí do nền kinh tế của nước này đang ở trong tình trạng tồi tệ. Sri Lanka cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và không có khả năng giải quyết vấn đề sớm. Điều này chủ yếu được cho là do quản lí kinh tế kém và đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka trước đó, Gotabaya Rajapaksa đã từ chức hồi đầu tháng 7 và bỏ trốn ra nước ngoài sau các cuộc biểu tình lan rộng do quản lí kinh tế kém. Các trường học hầu hết đã đóng cửa trong tháng trước vì thiếu nhiên liệu, mặc dù đã mở cửa trở lại trong tuần này. Trong khi đó, nhân viên khu vực công đang làm việc tại nhà.
Trong khi nước này có một số lô hàng đã được lên kế hoạch để nhận, nhiều nhà cung cấp không muốn giao dịch với Sri Lanka, từ chối chấp nhận thư tín dụng từ các ngân hàng của quốc gia này. Sri Lanka có khoảng 700 triệu USD tiền thanh toán quá hạn, buộc các nhà cung cấp phải yêu cầu thanh toán trước cho các lô hàng. Trước đây chúng được bảo lãnh bởi Ấn Độ, quốc gia đã cấp cho Sri Lanka một hạn mức tín dụng 500 triệu USD, nhưng điều này đã hết hạn vào tháng 6.
Gần đây, Chính phủ Sri Lanka đã thực hiện tăng giá nhiên liệu từ 12-22%, dự kiến sẽ đẩy tỉ lệ lạm phát vốn đã cao leo thang hơn. Ngoài ra, nước này còn đề ra một "National Fuel Pass" (tạm dịch: Phiếu nhiên liệu quốc gia) như một phương tiện phân phối nhiên liệu, cung cấp cho mọi người một hạn ngạch hằng tuần dựa trên biển số của các phương tiện đã đăng kí.
Tuần trước, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cũng đã từ chức và rời khỏi nước này sau nhiều tháng nổ ra biểu tình. Liên Hợp Quốc hi vọng quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ giúp Chính phủ Sri Lanka xây dựng lại niềm tin trong nước.
Để có được niềm tin vào tương lai của nền kinh tế Sri Lanka, một chính phủ mới sẽ cần đưa ra các cải cách tài khóa mới. Nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự chuyển giao quyền lực thành công và nhanh chóng để đưa ra ngân sách quốc gia tạm thời.
Hi vọng, với sự hỗ trợ từ các nước láng giềng cộng với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sự thành lập nhanh chóng của một chính phủ với những cải cách tài chính mới, có thể giúp Sri Lanka nhận được một gói cứu trợ rất cần thiết từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tái thiết nền kinh tế, giúp Sri Lanka thoát khỏi tình trạng bất ổn…
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online