Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương 50 điều. Đáng chú ý, trong Luật có quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến. Cụ thể, có 6 loại phim:
Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định.
Doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim không được phổ biến phim vi phạm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim.
Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định Luật Điện ảnh.
Doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động phổ biến phim phải thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, phải thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của luật này….
Ngoài ra, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được phép phổ biến phim trên không gian mạng phải gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Phương án 1, yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Phương án 2, yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cả 2 phương án đều có thể có những rủi ro trong kiểm soát nội dung phim, do kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép vẫn có thể bị thay đổi.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến Đại biểu. Kết quả, đa số Đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 1.
Như vậy, với luật được thông qua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam chỉ phải cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài phải cam kết bằng văn bản không vi phạm các quy định về những nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh tại Điều 9 Luật này trước khi thực hiện phổ biến phim.
Đặc biệt, nghiêm cấm vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Cấm truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. Đối tượng áp dụng là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh. |
Theo Viên Minh / Ngày Mới Online