Ông Abe Shinzo: Tác giả của 5 "nguyên tắc vàng" định hướng quan hệ Nhật Bản - ASEAN

08/07/2022 22:39

(Chinhphu.vn) - Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đặc biệt đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, chính vì vậy, trong nhiệm kỳ đầu tiên giữ chức Thủ tướng (2006-2007), ông Abe đã tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Abe Shinzo: Người nâng tầm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản - Ảnh 1.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, Phó Giám đốc Học viện Ngoại trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ.

5 "nguyên tắc vàng" định hướng quan hệ Nhật Bản - ASEAN

Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, cựu Thủ tướng Abe Shinzo là chính khách Nhật Bản có viễn kiến và chương trình hành động rõ ràng nhất nhằm thúc đẩy quan hệ của Nhật Bản với ASEAN cũng như nâng cao vai trò của Nhật Bản ở Đông Nam Á kể từ khi Thủ tướng Takeo Fukuda thăm Đông Nam Á năm 1977 và công bố học thuyết nổi tiếng mang dấu ấn cá nhân của mình.

Theo ông Abe, muốn nâng cao vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới thì trước hết cần tăng cường vị thế của Nhật Bản đối với ASEAN, gắn kết chặt chẽ an ninh, thịnh vượng và tương lai của Nhật với một ASEAN thống nhất, hùng cường, đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực.

Ông Abe Shinzo: Người nâng tầm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản - Ảnh 2.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố "Học thuyết Abe" trong quan hệ với Đông Nam Á gồm 5 nguyên tắc lớn

Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng lần 2 (ngày 26/9/2012), ông Abe đã chọn Việt Nam và Đông Nam Á làm điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Tại Indonesia, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố "Học thuyết Abe" trong quan hệ với Đông Nam Á gồm 5 nguyên tắc lớn. Thứ nhất, Nhật Bản cùng các quốc gia thành viên ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát, như tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người.

Thứ hai, đảm bảo hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN rằng các vùng biển tự do và mở là tài sản chung quan trọng nhất, được điều chỉnh bởi luật và quy tắc chứ không phải bằng vũ lực.

Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, bao gồm các luồng hàng hóa, tiền tệ, con người và dịch vụ, thông qua các mạng lưới quan hệ đối tác kinh tế vì sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và sự thịnh vượng của cả Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN.

Thứ tư, bảo vệ và nuôi dưỡng các di sản và truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á.

Và thứ năm, thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ Nhật Bản và ASEAN để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Trên cơ sở nền tảng của 5 nguyên tắc này, quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN đã phát triển mạnh mẽ về tất cả các mặt như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo (2012-2020).

Đến nay 5 nguyên tắc này vẫn là các "nguyên tắc vàng", định hướng quan hệ Nhật Bản - ASEAN phát triển trong thời gian tới.

Người nâng tầm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Với Việt Nam, ông Abe Shinzo đặc biệt đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ đầu tiên giữ chức Thủ tướng (2006-2007), ông Abe đã tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Và ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình (2012-2020), ông Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài, đồng thời đóng góp tích cực để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam -  Nhật Bản lên thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng.

Nhờ khuôn khổ đối tác chiến lược mới này, quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển sâu rộng về trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường lòng tin chiến lược, thúc đẩy quan hệ đầu tư-thương mại, hợp tác hoa học-công nghệ, giáo dục, trao đổi văn hóa, ngoại giao nhân dân…

Hải Minh


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp