Nhiếp ảnh gia Nick Út và Phan Thị Kim Phúc đang có mặt tại Ý để tổ chức buổi triển lãm kỷ niệm 50 năm ngày chụp bức ảnh nổi tiếng, ngày 8/6/1972. Họ tranh thủ chuyến đi để gặp và tặng Đức Giáo hoàng Francis một bản của bức ảnh.
Theo AP, ông Nick Út kể, Giáo hoàng nhận ra Kim Phúc ngay trong cuộc gặp tại Vatican. "Ngài nhìn bức ảnh và nhớ ra cô ấy ngay lập tức", ông nói.
Giáo hoàng nhắc lại kỷ niệm khi Ngài đã gặp Kim Phúc trước đây và nói Ngài biết câu chuyện cảm động về nhân vật trong bức ảnh "Em bé Napalm" cùng với sự tận tâm của tác giả Nick Út từ rất lâu.
Cuộc diện kiến tuy ngắn nhưng Đức giáo Hoàng đã nhiều lần nhắc đến bức hình và nhân vật trong ảnh cùng sự ca ngợi tấm lòng yêu thương đồng loại và sự tận tâm của tác giả Nick Út.
Nhân dịp này, tại Milan và Roma, Nick Út và Kim Phúc có những cuộc hội thảo, diễn thuyết về bức hình và câu chuyện 50 năm của tác phẩm "Em bé Napalm", đồng thời dành cho các hãng truyền thông lớn của Vatican, Italia và thế giới nhiều cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Vatican News viết: "Bà Phan Thị Kim Phúc - "Em bé Napalm" và 50 năm phải chịu đựng hậu quả chiến tranh. Bà thanh thản tiết lộ nhiều điều kỳ diệu với chính mình và truyền thông thế giới, mặc dù vết thương trên thân mình vẫn còn làm bà đau đớn".
Ông Nick Út là cựu phóng viên ảnh của Hãng tin AP. Tên tuổi của ông gắn liền với bức ảnh "Em bé Napalm" - ghi lại cảnh bé gái 9 tuổi Kim Phúc trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu từ một ngôi làng bị phi cơ Mỹ ném bom ở Tây Ninh.
Hình ảnh một cô bé da thịt và áo quần bị đốt cháy do bị bỏng nặng bởi bom napalm khi đang di tản khỏi ngôi làng của mình đã gây chấn động thế giới. Bức ảnh trở thành một trong những hình tượng ám ảnh nhất của chiến tranh Việt Nam.
Phan Thị Kim Phúc, hay còn được gọi là "Em bé Napalm", sinh năm 1963, người Canada gốc Việt, nổi tiếng với bức ảnh được trao giải Pulitzer chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, do nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn AP ghi lại.
Theo Hân Hân / Ngày Mới Online