NHCSXH Kon Tum: Nâng chất lượng tín dụng chính sách để giảm tỉ lệ nợ xấu

06/06/2023 15:23


Thông tin chính sách, hộ vay được các phòng giao dịch NHCSXH tỉnh Kon Tum niêm yết công khai tại điểm giao dịch xã

Theo NHCSXH tỉnh Kon Tum, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, dưới sự thay đổi nhanh về công nghệ số, tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đòi hỏi nghiệp vụ quản lý, cho vay các nguồn vốn tín dụng phải có những thay đổi kịp thời về phương thức, cơ chế phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Qua đó, đảm bảo chất lượng hoạt động tín dụng luôn duy trì bền vững, hiệu quả trước những biến động của nền kinh tế; kiểm soát và đánh giá đúng, hiệu quả các tiêu chí trong cho vay như đối tượng, mức vay, hồ sơ, phương thức vay, cơ chế xử lý nợ, rủi ro...

Thời gian qua, NHCSXH tỉnh chủ động rà soát quy trình nghiệp vụ, nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ để cung cấp các sản phẩm tiện ích cho khách hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả giải quyết công việc.

NHCSXH tỉnh Kon Tum đang duy trì và vận hành hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cập nhật đầy đủ các phiên bản nâng cấp chương trình phần mềm, đảm bảo yêu cầu từ Trung tâm Công nghệ thông tin; triển khai nhiều tiện ích, thí điểm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Mobile Banking…

Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh chú trọng công tác kiểm soát, thu hồi và xử lý nợ quá hạn; không ngừng nâng cao chất lượng công tác cho vay và đôn đốc thu hồi lãi tồn, tuyên truyền hộ vay tham gia tiền gửi tiết kiệm.

Đến nay, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn Chi nhánh duy trì ở mức thấp (chiếm 0,32%/tổng dư nợ), chủ yếu tập trung vào những hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, đi làm ăn xa chưa có điều kiện để trả nợ.

Toàn tỉnh hiện có 36 xã không có nợ quá hạn (chiếm 35,2%); 59 xã có nợ quá hạn dưới 0,5% (chiếm 57,8%); chất lượng tín dụng toàn tỉnh năm 2022 xếp loại tốt, trong đó có 100 xã xếp loại tốt (chiếm 98%), 2 xã xếp loại khá (chiếm 0,2%).

Trong các hoạt động của Chi nhánh, nghiệp vụ nhận tiền gửi hằng tháng của tổ viên Tổ TK&VV tiếp tục hoạt động thường xuyên, giúp cho tổ viên nâng cao ý thức tiết kiệm để tạo lập vốn tự có, tạo nguồn cho việc trả nợ, trả lãi. Đến nay, toàn tỉnh có 100% tổ TK&VV thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi tổ viên với gần 68.500 tổ viên tham gia gửi tiền với số dư gần 135 tỷ đồng.

Điều đáng nói, hoạt động điểm giao dịch ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng hiệu quả cao.

Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh luôn duy trì xếp loại tốt; nợ xấu và nợ quá hạn luôn ở mức thấp (nợ quá hạn ở mức 0,16%); chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV không ngừng được nâng cao.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 27.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; xây dựng và sửa chữa, cải tạo 11.903 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; duy trì và tạo việc làm 5.750 lao động...

Có thể thấy, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, NHCSXH tỉnh đã giữ vững và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, tăng dần tổng dư nợ và tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm dần tỉ lệ nợ quá hạn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

Mục tiêu NHCSXH Kon Tum đề ra là đến cuối năm 2023, đơn vị phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách đạt hơn 10%, hoàn thành 100% các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng; tổng giá trị giao dịch tại điểm giao dịch xã đạt trên 98%.

Tỉ lệ Tổ TK&VV xếp loại tốt, khá hằng tháng đạt 100%; 100% các xã, phường, thị trấn có chất lượng tín dụng xếp loại tốt.

Tỉ lệ thu lãi hằng tháng đạt 100%; tỉ lệ thu nợ đến hạn trên 90%, Tỉ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ./.

BT    


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp