Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Bước 'đột phá' toàn diện vào khu vực khó khăn

15/11/2022 08:40

(Chinhphu.vn) - Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng cho người nghèo đã mở ra tương lai tươi sáng cho những mảnh đời khó khăn, yếu thế; là công cụ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, phát triển và trên hết là sự nhân văn của chế độ mà không phải quốc gia nào cũng có được…

Đây là đánh giá chung của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông tại cuộc tọa đàm chính sách về 20 năm thực hiện Nghị định số 78 /2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức.

Sức sống mãnh liệt của một chính sách nhờ đáp ứng đúng nguyện vọng nhân dân

Đại biểu đánh giá thế nào về việc triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn địa phương mình?

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Bước
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo - Ảnh: Đại biểu nhân dân

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo: Tôi đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng với mô hình hoạt động gọn nhẹ nhưng bảo đảm triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hiệu quả. Đến nay, trên 99,2% tổng số tiền phát sinh cho vay, thu nợ, thu lãi của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã được thực hiện tại 142 điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của hệ thống NHCSXH đạt hiệu quả cao nhất.

Công tác tuyên truyền được địa phương chú trọng và tập trung về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ đối với người nghèo dưới nhiều hình thức để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức: Nghị định số 78 và cách thức triển khai của NHCSXH đã tạo bước đột phá trong giảm nghèo không chỉ ở Cao Bằng mà ở tất cả các địa phương có điều kiện tương đồng như Cao Bằng.

Sau 20 năm, với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù, đã có hơn 9.700 tỷ đồng của Nhà nước được NHCSXH chuyển tải đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội; hạn chế "tín dụng đen" trên địa bàn, nhất là ở khu vực nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Bước
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông - Ảnh: Đại biểu nhân dân

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông:Một ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Một chính sách mở đường, trụ cột để cho các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên... Với tôi, đó là điểm đặc biệt khiến các chương trình tín dụng chính sách có sức sống mãnh liệt trong suốt 20 năm qua.

Tại Bình Thuận cũng vậy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào chương trình làm việc thường xuyên. Hằng tháng, hằng quý thực hiện đánh giá kết quả hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Ban đại diện HĐQT, sự phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng các sở, ban, ngành trong thực thi nhiệm vụ đã giúp Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện tốt mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra. Đó là xã hội hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách, huy động toàn xã hội tham gia xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chính sách tín dụng ưu đãi thực sự đi vào cuộc sống

Nghị định số 78 đã tác động thế nào đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, thưa đại biểu?

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo: Dự kiến năm 2022, tỉnh Lâm Đồng vượt thu ngân sách khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, để đạt được thành tích này, có phần đóng góp từ các hộ thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế bằng nguồn tín dụng chính sách. Điều đó thêm một lần khẳng định tính hiệu quả của các chính sách tín dụng ưu đãi.

Tôi cho rằng, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thiết kế chính sách từ cho không đến cho vay có điều kiện, đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, sử dụng vốn có hiệu quả bằng các loại hình sản xuất đa dạng.

Các đối tượng thụ hưởng, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay, nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số.

Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay lãi nặng. Cùng với đó, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương.

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Bước
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức - Ảnh: Đại biểu nhân dân

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức: Nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cải thiện đời sống của người nghèo, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tích cực triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Nghị định số 78, đến nay tại tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 3.320 tỷ đồng, doanh số cho vay trong 20 năm đạt 10.088 tỷ đồng, giúp cho hơn 421.000 lượt đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh.

Vốn vay được các hộ nghèo chủ yếu đưa vào sản xuất nông nghiệp như khai hoang, cải tạo ruộng nương, chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp… gắn với tập quán sản xuất của người dân địa phương.

Với thủ tục đơn giản, nhiều ưu đãi, tiếp cận và thụ hưởng dễ dàng, giúp người nghèo làm quen dần với việc có vay - có trả. Qua đó, số hộ nghèo giảm mạnh.

Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 32,98% xuống còn 20,32% (giảm 12,66% so với đầu giai đoạn); giai đoạn 2016 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (giảm 20,47% so với đầu giai đoạn).

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông: Thực tế giám sát tại các các địa phương trong tỉnh cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến 100% thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi kịp thời, thuận lợi.

Tại Bình Thuận, nguồn vốn này góp phần giúp gần 61.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 67.000 lao động, giúp hơn 65.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 341.500 công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 4.100 ngôi nhà cho hộ nghèo, 287 căn nhà cho người có thu nhập thấp...

Nguồn vốn đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 thông qua việc triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 14.000 lượt người lao động; giải ngân các chương trình tín dụng chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 213 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng.

Việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Nguồn vốn ưu đãi góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Thuận, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 14,96% thời điểm đầu năm 2002 đến cuối năm 2021 còn 3,16%, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện./.


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp