Ngày Xuân đọc Lục Vân Tiên

22/01/2023 08:14

Năm 2022 vừa qua, UNESCO đã vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới, mà một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông chính là Lục Vân Tiên. Ngày Tết, có thời gian, chúng ta thư thả đọc lại tác phẩm này, để hiểu hơn về cuộc đời, về một con người, một vùng đất và những yếu tố đặc sắc của nó…

 

Phát huy trí tưởng tượng

Chúng ta có thể vừa đọc truyện vừa tưởng tượng đủ thứ chuyện: đoạn Lục Vân Tiên bẻ cây đánh tan bọn cướp, giết chết đầu đảng Phong Lai để cứu chủ tớ Nguyệt Nga – Kim Liên; đoạn Lục Vân Tiên nghe tin mẹ mất đau khổ rồi quày quả trở về, dọc đường bị Trịnh Hâm xô xuống sông, sau ghé nhà Võ Thể Loan lại bị cha con nàng đem bỏ vào hang Thương Tòng; đoạn Hớn Minh tức giận bẻ chân tên công tử con quan huyện rồi phải lánh vào rừng; đoạn Vương Tử Trực cự tuyệt “lời đề nghị khiếm nhã” của cha con Thể Loan khiến Võ Công uất ức mà chết; đoạn Lục Vân Tiên sau khi sáng mắt, đỗ trạng nguyên được giao cầm quân ra đánh trận…

Ôi thôi, toàn những cảnh tượng vừa bi, vừa thương, vừa oai dũng… Chúng ta không quá khó để hiểu hết đặc điểm của từng nhân vật, dù có những đoạn không hiểu, như con giao long là con gì, vì sao khi Vân Tiên bị xô xuống sông lại được giao long cứu mạng, vì sao sơn quân (con cọp?) lại không ăn thịt tiểu đồng mà còn cắn dây cõng ra đường, vì sao Nguyệt Nga trên đường cống sang Ô Qua đã nhảy xuống sông lại được sóng thần đưa vào vườn nhà Bùi Kiệm… Ta đọc không phải để giải trí mà để nghĩ, để cảm…


Đi sâu vào đời sống người dân

Có lẽ không cần đọc truyện, mỗi khi nghe người ta nói đến những cái tên Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm…, chúng ta phần nào mường tượng được về con người được gán cho cái tên đó. Đặc biệt, khi người ta gọi ai đó là Bùi Kiệm, nếu là trẻ nhỏ, chúng ta đều biết là kẻ học dốt, còn là người lớn thì có máu… ba lăm! Vậy tức là truyện Lục Vân Tiên đi vào đời sống của chúng ta như vậy đó, và chắc chắn rằng nó đã đi vào đời sống của người dân quê trước đây còn đậm đà hơn, sâu sắc hơn, thú vị hơn nhiều!

Tác phẩm này có một đoạn trích ở cấp III trong chương trình phổ thông và trong thế hệ của người người đang đọc bài báo này hẳn đã từng học. Trong bài giảng, hẳn chúng ta đã biết câu chuyện được kết thúc theo kiểu “ân đền oán trả”, ai làm tốt sẽ có kết cục tốt và ngược lại, về mơ ước riêng và niềm mong ước của cụ Đồ Chiểu gửi gắm trong tác phẩm này, về nói thơ Vân Tiên…


Thực sự giá trị của tác phẩm này đối với nền văn học nói riêng và đời sống miền Nam nói chung là không hề nhỏ, như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, đặc biệt là trong các hội thảo, các bài viết giữa bối cảnh kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Đồ Chiều vừa qua.

Chẳng hạn, về giá trị của tác phẩm, nhiều tài liệu đã khẳng định, truyện Lục Vân Tiên dài 2.082 câu thơ lục bát này có nội dung xây dựng đạo lý mẫu mực cho những con người đối với nhau, đối với đất nước, về lý tưởng phấn đấu, đồng thời khơi gợi lòng yêu nước, cũng như kịch liệt lên án những kẻ gian ác. Nội dung của tác phẩm này có tác động rất lớn đến nếp sống, nếp nghĩ nhân dân miền Nam.

Truyện Lục Vân Tiên từ khi ra đời đã in đậm trong đời sống người dân miền Nam. Rất nhiều người lớn tuổi thế nào cũng thuộc vài câu trong truyện, để dẫn ra khi cần thiết. Hay trong nếp nghĩ, nhiều người đã khái quát và điển hình hóa những Vân Tiên thành người cương trực, trung nghĩa, Nguyệt Nga là người thủy chung trọn vẹn, Hớn Minh nghĩa khí pha chút ngang tàng, Tử Trực trọn đạo nghĩa, Bùi Kiệm học dốt và… háo sắc, Trịnh Hâm gian ác, cha con Võ Thể Loan phụ nghĩa...

Trong văn học Việt Nam, hai tác phẩm thơ Nôm ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống của nhân dân, đó là truyện Kiều, còn gọi là truyện Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du (1765-1820) và truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, còn gọi là Đồ Chiểu (1822-1888). Theo nhận xét của nhà bình luận thơ Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam, được nhà biên khảo văn học Nguyễn Văn Xuân dẫn lại, “…từ bên kia Hải Vân ra Bắc người ta đọc truyện Kiều. Từ bên này vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên.

Nói như thế không phải quyển này và quyển kia không ảnh hưởng tới miền kế cận.” Ngày 29/6/2022, tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Văn chương, phong cách của ông đã ghi đậm dấu ấn tại nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới.

Nói thơ Vân Tiên - hình thức hát nói đặc trưng Nam bộ

Có tài liệu do người Pháp ghi nhận, ngay ở thời điểm tác phẩm mới được in ra (khoảng năm 1865), ở Nam kỳ, có lẽ không một người thuyền chài hay người lái đò nào lại không ngâm nga vài ba câu trong khi đưa đẩy mái chèo; hay trên những nẻo đường bộ, chợ búa, nơi bến tàu, bến xe, đâu đâu người ta cũng thấy “những đám người ngồi xổm, xúm quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là một kẻ mù lòa, đề nghị anh ta gân cổ lên kể chuyện Lục Vân Tiên có khi đến hằng giờ mà người nghe không biết chán”.

Như người Trung Quốc nghe kể chuyện Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, với người Nam bộ, nói thơ Vân Tiên là một hình thức giải khuây mang ý nghĩa giáo dục quần chúng rất sâu sắc. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Đây là một bản trường ca ca ngợi những người trung nghĩa (…) Nguyễn Đình Chiểu cùng nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng…” .

Bàn về nói thơ Vân Tiên, đoạn trích dưới đây trên trang web của tỉnh Bến Tre là khá toàn diện và xác đáng: “Nói thơ Vân Tiên là một loại hát kể mang tính chất ngâm ngợi, phù hợp với giọng thổ của nam giới, (…) được diễn đạt theo nhịp điệu không buông rơi đều đặn như hát bài chòi, hoặc hát sắc bùa, mà luôn luôn thay đổi từ khoan thai đến dồn dập.


Giai điệu thường bắt đầu ở âm khu cao của đầu điệp khúc rồi lên xuống giữa âm khu trung và âm khu trầm và chậm dần để kết thúc mỗi điệp khúc. Khác với hiện tượng “cưỡng âm” ở lý, sáu thanh điệu của ngôn ngữ lời thơ trong nói thơ Vân Tiên bao giờ cũng được tôn trọng. Các dấu giọng (hỏi, ngã, nặng) đều được luyến láy rõ lời.

Nói thơ Vân Tiên không sử dụng tiếng đệm lót, hãn hữu mới thấy tiếng "mà" giặm vào, hoặc tiếng đưa hơi "ơ ớ" tùy theo lối ngâm của từng người (…) Cho đến nay, ở Bến Tre, trong các làng quê vẫn còn những cụ già nằm lắc lư theo nhịp võng, vừa vuốt râu ngâm ngợi say mê điệu nói thơ Vân Tiên trong buổi trưa hè, hay giữa buổi chiều êm ả, tĩnh mịch...”. Có thể nói, nói thơ Vân Tiên là một hình thức hát - nói đặc sắc đặc trưng của Nam bộ, mà đặc biệt là miền Tây

Cũng như trong một trò chơi của nhiều trẻ em ngày trước liên quan đến câu chuyện này, đó là: “Vân Tiên cõng mẹ đi vô/ Đụng phải (cái)… cõng mẹ đi ra” và “Vân Tiên cõng mẹ đi ra/ Đụng phải (cái)… cõng mẹ đi vô”, với các chữ còn thiếu phải vần với chữ “vô” và “ra”, như “gà cồ” và “cái nhà”, “cái bồ” và “con gà”… Hai bên cứ hát đối đáp nhau như thế, bên nào tìm không ra từ thì thua!


Dĩ nhiên, không ai mượn mấy câu hát - câu thơ này để châm chọc cụ Đồ sao lại cho Lục Vân Tiên cõng mẹ ra vô luẩn quẩn như vậy, mà chính là người ta đã mượn được một câu chuyện, một thể loại hát - nói phổ biến để giải trí, để kích thích sự phát triển từ ngữ của trẻ.

Cũng như người miền Bắc có tập Kiều, lẩy Kiều - dĩ nhiên với mức độ cao hơn về trí tuệ - tức là gắn một tác phẩm văn học vào đời sống, chứ không để nó lơ lửng đâu đó…

Dân gian cũng mượn truyện Lục Vân Tiên để sáng tạo nên dân ca, ca dao, như trong hò đối đáp, hát đối, sau phát triển lên sân khấu (ca ra bộ, cải lương)… Đặc biệt, trong hai câu lục bát sau đây còn mang một ý nghĩa rất sâu sắc, đó là phê phán những kẻ giả danh quân tử (ngụy quân tử) bình thường thì đạo mạo nhưng thừa cơ hội là lộ nguyên hình là kẻ xấu xa.

“Vân Tiên ngồi dựa bụi môn/ Chờ khi trăng lặn…”; người đọc sẽ dễ tìm thấy 4 từ còn lại trên internet. Có thể nhiều người đọc đến đó thấy “nháng lửa”, bởi nó mang sắc thái nghĩa hoàn toàn khác so với các nhân vật được nhắc trong câu ca dao đó.

Và cũng chính vì vậy mới càng thấy sự thẩm thấu của tác phẩm Lục Vân Tiên, của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong đời sống người dân Nam bộ!

Trong Nghị quyết 41/C năm 2021 vinh danh Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Đình Chiểu của UNESCO đã ghi: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc”.
Nguyễn Minh Hải

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp