Phản ứng của Mỹ
Khi cuộc đua lên Mặt trăng lùi xa, các phi hành gia Mỹ và Liên Xô gặp nhau và bắt tay trong không gian lần đầu năm 1975. Mỹ và Nga tiếp tục làm việc cùng nhau trong không gian vũ trụ với đỉnh cao là cùng xây dựng và vận hành một phòng thí nghiệm trong không gian vào những năm 1990.
Tương lai của hợp tác này trở nên không chắc chắn vào ngày 26/7 khi người đứng đầu mới của cơ quan vũ trụ Nga thông báo Nga sẽ rời Trạm Vũ trụ Quốc tế sau khi cam kết hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm 2024.
"Quyết định rời trạm vũ trụ sau năm 2024 đã được đưa ra" - ông Yuri Borisov, người vừa được bổ nhiệm điều hành Roscosmos, tập đoàn do nhà nước Nga kiểm soát phụ trách chương trình vũ trụ của đất nước, thông báo.
Thông tin được công bố trong cuộc gặp giữa ông Borisov và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Borisov trình bày với ông Putin rằng Nga sẽ thực hiện các cam kết đến năm 2024 và chuyển trọng tâm sang một trạm vũ trụ riêng của Nga. "Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm này, chúng ta sẽ bắt đầu hình thành trạm quỹ đạo của Nga" - ông nói. Ông Putin đáp: "Tốt".
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Mátxcơva gia tăng sau xung đột Nga - Ukraina bắt đầu hồi tháng 2, các quan chức vũ trụ Nga trong đó có người tiền nhiệm của ông Dmitry Rogozin, ông Borisov, đã tuyên bố trong những tháng gần đây rằng Nga đang có kế hoạch rời ISS. Tuy nhiên, các tuyên bố trước đó đều chưa làm rõ về thời điểm Nga rút hoặc quyết định cuối cùng đã được đưa ra hay chưa.
Một quan chức tại Nhà Trắng cho hay, Mỹ chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ Nga về việc rút khỏi trạm vũ trụ nhưng các quan chức cũng xem những tuyên bố công khai.
"Chúng tôi đang khám phá các phương án để giảm thiểu bất kỳ tác động tiềm tàng nào với ISS sau 2024 khi Nga rút lui" - ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 25/7 rằng thông báo của Nga là "một diễn biến đáng tiếc".
Giám đốc NASA Bill Nelson ra tuyên bố cùng ngày khẳng định: "NASA cam kết vận hành an toàn Trạm Vũ trụ Quốc tế đến năm 2030".
Nga vẫn có khả năng đổi ý
Nếu Nga thông qua, nước này có thể đẩy nhanh việc kết thúc dự án mà NASA đã chi khoảng 100 tỉ USD trong 1/4 thế kỷ qua và tạo ra một cuộc tranh cãi về việc phải làm gì tiếp theo.
Trạm vũ trụ ISS hợp tác với Nga và cũng có sự tham gia của Canada, Châu Âu và Nhật Bản, là chìa khóa để nghiên cứu tác động của không trọng lượng và bức xạ với sức khỏe con người. Nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành nhưng là nghiên cứu cần thiết trước khi các phi hành gia bắt đầu chuyến du hành dài hơn tới sao Hỏa.
Hợp tác trong hoạt động của ISS cũng đã trở thành cơ sở chứng minh cho việc sử dụng không gian thương mại, bao gồm các chuyến thăm của những phi hành gia dân sự giàu có và sản xuất các sợi quang có độ tinh khiết cao.
Các chuyên gia nhận định, từ "sau" trong "sau năm 2024" mà ông Borisov đề cập cho thấy Nga có không gian để thay đổi ý định.
Ông Phil Larson, cố vấn không gian của Nhà Trắng dưới thời chính quyền ông Obama, cho biết: "Quyết định có thể được xem lại, hoặc có thể thành hiện thực".
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thông báo của Nga đã phủ bóng lên triển vọng duy trì hoạt động của trạm ISS tới cuối thập kỷ này.
Ông Pavel Luzin, nhà phân tích vũ trụ và quân sự Nga cho biết: "Việc rút khỏi sẽ mất một thời gian. Rất có thể, chúng ta cần diễn giải điều này là Nga từ chối gia hạn hoạt động của trạm đến năm 2030".
Phát biểu từ quỹ đạo trước một hội nghị về nghiên cứu trạm vũ trụ, Kjell Lindgren, phi hành gia NASA đang trên ISS, cho biết chưa có gì thay đổi tại trạm vũ trụ.
"Đó là tin tức rất mới và vì vậy chúng tôi chưa được thông báo chính thức nào. Chúng tôi được huấn luyện để làm nhiệm vụ ở đây - một nhiệm vụ đòi hỏi toàn bộ phi hành đoàn" - phi hành gia NASA cho hay.
Trong gần nửa thế kỷ qua, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của các phi hành gia Mỹ và Liên Xô trên quỹ đạo năm 1975 trong sứ mệnh Apollo-Soyuz, hợp tác vũ trụ đã được coi là cách để xây dựng mối quan hệ tích cực giữa hai nước ngay cả khi có căng thẳng ngoại giao.
Nhiều thập kỷ thăng trầm trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, hợp tác vũ trụ vẫn được duy trì. Từ năm 1995 đến 1998, các tàu con thoi của NASA đã cập bến phân đoạn trạm vũ trụ Mir của Nga và các phi hành gia Mỹ sống tại Mir.
Theo Theo Báo Lao động / Ngày Mới Online