Ba Lan đang chứng kiến tốc độ tăng giá cả nhanh nhất trong Liên minh châu Âu, với tỉ lệ lạm phát trong tháng 6 lên tới 15,6% niên hóa - tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1997. Điều đó thúc đẩy các chính trị gia xây dựng chiến dịch bầu cử xoay quanh việc quy trách nhiệm cho nạn lạm phát.
Với Đảng Công lí và Luật pháp (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc, nguyên nhân lạm phát là do Nga. Họ đổ lỗi cho Nga đưa quân vào Ukraine, đẩy giá cả lên cao khi siết chặt quyền tiếp cận khí đốt tự nhiên của châu Âu. Ba Lan là một trong những nước đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Lãnh đạo PiS, ông Jaroslaw Kaczynski, người nắm thực quyền ở Ba Lan nói rằng, các chính sách của chính phủ chỉ chịu trách nhiệm cho mức 3-4% trong tỉ lệ lạm phát. Trong khi đó, phe đối lập đổ lỗi cho các chính sách tiền tệ lỏng lẻo của chính phủ và sự do dự của Ngân hàng Trung ương Ba Lan (NBP), khi NBP chỉ chịu tăng lãi suất khi lạm phát đã dâng cao.
Việc xác định ai chịu trách nhiệm cho nạn lạm phát lúc này sẽ rất quan trọng đối với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới, khi PiS cố gắng để có nhiệm kì thứ ba đầu tiên trong lịch sử. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy PiS dẫn đầu với 33,1% số phiếu ủng hộ, tiếp theo là Đảng Nền tảng Công dân với 24,7%, Đảng Ba Lan 2050 với 10,7%, Đảng Cánh tả với 9,4% và Liên minh Siêu quốc gia với 6,3%. Nếu con số đó được giữ vững, thì các đảng chống PiS sẽ có thể thành lập một chính phủ liên minh rộng.
Trong khi các chính trị gia tìm cách đổ lỗi thì người Ba Lan bắt đầu cảm thấy đau đớn. Một cuộc thăm dò cho thấy hơn 31% gia đình Ba Lan đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, 30% có kế hoạch giảm hoặc hủy bỏ chuyến du lịch vào kì nghỉ Hè và 26% dự định sử dụng ít năng lượng hơn. Lạm phát cũng ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo nhất. Trong nhóm thu nhập thấp nhất - kiếm dưới 2.000 zoty (425 euro)/tháng, khoảng 2/3 đang tiết kiệm chi phí ăn uống. Nhóm này là thành phần cốt lõi cho sự ủng hộ chính trị của PiS.
Các nhà phân tích dự đoán lạm phát sẽ đạt đỉnh hơn 16% trong vài tháng tới, với nhiều cảnh báo liên quan đến diễn biến chiến tranh ở Ukraine hoặc sự trở lại của đại dịch Covid-19. Lúc này, các chính sách chống lạm phát mạnh tay là điều cần thiết. NBP đã tăng lãi suất tham chiếu 10 lần liên tiếp, bắt đầu từ tháng 10/2021 ở mức thấp nhất mọi thời đại là 0,1% lên 6,5% vào ngày 7/7 vừa qua. Sự thắt chặt của NBP là một vấn đề chính trị đối với chính phủ, vì lãi suất cao sẽ đẩy các khoản trả nợ thế chấp lên cao, khiến ngân sách gia đình bị siết chặt hơn nữa.
Chính phủ phản ứng bằng một kế hoạch được gọi là "kì nghỉ tín dụng", cho phép những người có thế chấp tạm dừng trả nợ 4 lần trong năm nay và 4 lần nữa vào năm 2023. Nhưng điều này được cảnh báo sẽ gây thêm áp lực lạm phát. Chính phủ cũng giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập thấp nhất từ 17% xuống 12% kể từ ngày 1/7, một quyết định khác có khả năng khiến giá cả tiếp tục tăng.
JanZygmuntowski, chuyên gia của Mạng lưới Kinh tế Ba Lan cho biết, cả chính phủ và phe đối lập đều không nhìn thấy sự phức tạp đằng sau những gì thúc đẩy lạm phát và không có ý chí hoặc trí tuệ để chống lại nó. Theo ông, "thay vào đó, chính phủ nên thắt chặt chính sách tài khóa, hạn chế tỉ suất lợi nhuận của các công ty do nhà nước kiểm soát và nỗ lực tăng sức mạnh của đồng zloty. Về lâu dài, họ nên đa dạng hóa nguồn cung năng lượng - sẽ mất thời gian nhưng không bao giờ là quá muộn".
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online