Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn
Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm, để tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.
Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ 16-18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 âm lịch). Trong đó, lễ dâng hương và tế lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, khu lăng mộ, các tòa thái miếu (huyện Thọ Xuân), đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), thái miếu Nhà hậu Lê và tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa) sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/9 (tức ngày 21, 22/8 âm lịch); lễ dâng hương làm giỗ Bà hàng dầu trên đỉnh núi Lam Sơn (núi Dầu) vào ngày 18/9 (tức ngày 23/8 âm lịch) theo nghi thức truyền thống. Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ có các sự kiện như trưng bày tư liệu, hình ảnh kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt (từ ngày 10-20/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).
Sau nghi lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn". Chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính biểu tượng và tính nghệ thuật, với các phần: "Hào khí Lam Sơn - Anh hùng tụ nghĩa"; "Bình Định Vương đăng quang Hoàng đế"; "Tiếp bước cha ông, Thanh Hóa trên đường đổi mới". Qua đó, tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc cùng công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sĩ và Nhân dân ta trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh. Ngoài ra, du khách còn được mãn nhãn với các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, múa bát dân tộc Dao… tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiều "cây huyền bí"
Đến với khu di tích Lam Kinh, du khách sẽ được biết những tích chuyện huyền bí về cây ổi cười, cây lim vài trăm tuổi hiện thân cho trùng tu chính điện và chuyện tình cây đa thị.
Cây ổi nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, phía sau hàng tượng quan hầu và tượng con rồng đang chầu trước mộ vua. Cây ổi khẳng khiu gầy guộc, cao chừng 3m, lá nhỏ, năm nào cũng ra rất nhiều quả. Khi chúng ta sờ nhẹ lên thân cây, đầu lá sẽ rung lên bần bật. Từng lá như những ngón tay nhỏ mở ra, cả khi trời lặng gió. Còn nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại, sẽ có cảm giác khác lạ, giống như đang chu du ở nơi nào đó. Hầu như ai đến đây cũng thử trải nghiệm sự kỳ lạ thú vị này.
Ngoài ra, tại khu di tích Lam Kinh có một cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh. Điều lạ lùng hay sự trùng khớp ngẫu nhiên, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Khi cây được hạ xuống, thông thường lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng cây lim này lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Chỉ một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: Cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/2010. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với gương tảng cột quân. Lý giải cho "sự ra đi" bất thường của cây lim, nhiều người cho rằng: Dường như cây Lim này sinh ra là để xả thân làm nghĩa vụ phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.
Còn với chuyện tình cây đa thị, theo lời những người gắn bó lâu năm với khu di tích Lam Kinh kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang án ngữ là một cây thị. Ngày ấy chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa để ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây đa thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều gốc khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20m, gốc cây gần chục người ôm không xuể. Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa. Năm 2013, cây đa thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Theo Đinh Huê / Ngày Mới Online