Kế hoạch B đúng lúc

30/08/2022 09:52

Thỏa thuận hạt nhân với Tehran có thể sẽ mang lại cho Tổng thống Nga Putin một Kế hoạch B đúng lúc để đưa dầu ra thị trường toàn cầu...

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, Nga có kế hoạch sử dụng Iran như một cửa sau để lách các lệnh trừng phạt quốc tế nếu thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc trên thế giới có hiệu lực.

Moskva đã cử các nhóm quan chức tài chính, thương mại, các giám đốc điều hành của Gazprom và các công ty khác đến Tehran vào tháng 7 nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin để tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Những tuần gần đây, Iran cũng đã cử hai phái đoàn chính thức tới Moskva tập trung vào lĩnh vực năng lượng và tài chính. Điểm thu hút chính của Iran là nước này cung cấp một tuyến đường dự phòng để bán dầu thô, loại hàng hóa bị trừng phạt cũng là nguồn cung cấp tài chính chủ lực của Điện Kremlin.

Nga đang tìm kiếm các khách hàng dầu thô mới để đối phó với các lệnh trừng phạt
Nga đang tìm kiếm các khách hàng dầu thô mới để đối phó với các lệnh trừng phạt

Xuất khẩu dầu của Nga phải đối mặt với lệnh cấm vận gần như hoàn toàn từ các nước EU từ tháng 12 năm ngoái, nhưng nếu một thỏa thuận hạt nhân quốc tế được kí kết với Iran, điều đó sẽ cung cấp cho Nga một Kế hoạch B đúng lúc.

Theo thỏa thuận "hoán đổi", Iran có thể nhập dầu thô của Nga tới bờ biển Caspian ở phía Bắc, rồi sau đó thay mặt Nga bán một lượng dầu thô tương đương bằng các tàu chở dầu qua ngả Vịnh Persian. Iran sẽ lọc dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa đang khan hiếm, trong khi nhờ có thỏa thuận hạt nhân, dầu Iran xuất khẩu ở miền Nam sẽ được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Iran cũng có thể sử dụng đội tàu chở dầu của mình ngay khi được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt, để tải dầu thô của Nga ở các cảng bên ngoài biển Caspian.

Tuy nhiên, phương án này phụ thuộc vào việc liệu thỏa thuận hạt nhân - mà theo đó Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ trừng phạt - có được khôi phục hay không. Nhiều nhà ngoại giao tham gia quá trình đàm phán cho biết, thỏa thuận đã gần đạt được, mặc dù cả Mỹ và Iran đều chưa chấp nhận những đề xuất mới từ EU. Trong số những người ủng hộ đề xuất này mạnh mẽ nhất có Đại sứ Nga tại Vienna (nơi đặt trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA), Mikhail Ulyanov.

Một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Tehran, chuyến thăm Iran vào tháng 7 của Tổng thống Putin là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ. Tehran và Moskva nhân dịp này đã công bố biên bản ghi nhớ về các dự án chung trị giá 40 tỉ USD, đặc biệt nhằm phát triển khai thác khí đốt ở Vịnh Ba Tư và sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá trị cao.

Một số nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng Moskva đang nhìn rộng ra khắp Trung Á, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm ra kẽ hở xung quanh những hạn chế với hàng hóa nhập khẩu. Các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt đáng kể khả năng của Nga trong việc khôi phục các vũ khí, khí tài quân sự bị phá hủy ở Ukraine, khi nước này phải chật vật tìm nguồn nhập các linh kiện thay thế.

Nga nhận thức rõ rằng, Iran có một lịch sử lâu dài, đầy kinh nghiệm trong tìm kiếm các giải pháp thay thế như vậy. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm, Tehran vẫn vượt qua, khi chuyển hướng sang Trung Quốc và các đối tác châu Á khác. Moskva muốn học hỏi kinh nghiệm đó.

Đây có thể là một lí do khiến Mỹ thận trọng phản hồi các đề xuất của EU. Iran đã chuẩn bị chuyển giao máy bay không người lái vũ trang cho Nga. Nếu Washington đồng ý khôi phục thỏa thuận hạt nhân, sẽ có nguy cơ mở cánh cửa cho luồng vũ khí không hạn chế từ Iran sang Nga. Tuy vậy, theo truyền thống, Nga và Iran vẫn cực kì cảnh giác với nhau, hợp tác khi lợi ích của họ song hành nhưng chỉ ở một mức độ.

Một lí do khác khiến Iran thu hút Nga đó là họ cần Nga. Đầu tháng 8, cơ quan vũ trụ Nga đã phóng vệ tinh do thám Iran lên quỹ đạo. Nga cũng phát tín hiệu sẵn sàng nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt tới thành phố cảng Astrakhan của Iran bên biển Caspian nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước…

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp