Kazakhstan- Quốc gia đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

16/09/2022 10:21

Dư luận quốc tế đang rất quan tâm dõi theo chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau gần 3 năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19...

Sự kiện đáng chú ý nhất trong chuyến công du này là cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Samarkand (Uzbekistan), nơi từ ngày 15 - 16/9 diễn ra hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Mặc dù vậy, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc là Nursultan, thủ đô Kazakhstan, cho thấy quốc gia rộng lớn, giàu tài nguyên ở Trung Á này có vị trí rất đặc biệt trong chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh.

Trung Quốc và Kazakhstan từ lâu có mối quan hệ láng giềng gần gũi, phản ánh qua việc phát triển chặt chẽ các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Năm nay đúng 30 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 3/1/1992). Trong 30 năm qua, 2 nước đã kí nhiều thỏa thuận quan trọng, mối quan hệ bền chặt giữa 2 nước phần nào còn thông qua chiều dài đường biên giới chung 1.782,75km. Chính tại Kazakhstan, năm 2013, ông Tập Cận Bình đã công bố sáng kiến "Vành đai và Con đường" - dự án xây dựng các hành lang kinh tế xuyên Á - Âu để thúc đẩy việc lan tỏa hàng hóa Trung Quốc sang châu Âu.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại lễ đón ở Nursultan, ngày 14-9-2022
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại lễ đón ở Nursultan, ngày 14-9-2022

Có thể nói, Kazakhstan là quốc gia chủ chốt trong sáng kiến trên của Trung Quốc nhằm thiết lập mạng lưới giao thông và thương mại kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi. Kazakhstan đối với Trung Quốc không chỉ là đối tác kinh tế trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống mà còn là hành lang trung chuyển. Về địa lí, Kazakhstan nằm ở vị trí chiến lược giữa 2 phần Đông và Tây của địa cầu, là "cầu nối" giữa châu Âu với châu Á. Các cảng của Kazakhstan là mắt xích quan trọng trên con đường vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc sang châu Âu. Đây cũng là "cánh cửa" để Trung Quốc tiếp cận khu vực Trung Á.

Kazakhstan còn là "mỏ tài nguyên quý" đối với Trung Quốc. Nhìn vào các số liệu xuất nhập khẩu có thể thấy hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Kazakhstan sang Trung Quốc là dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ, một nửa xuất khẩu còn lại là các tài nguyên khoáng sản khác và đặc biệt là urani. Kazakhstan là nước khai thác quặng urani lớn nhất thế giới và mới đây Trung Quốc đã nhận được quyền tiếp cận mỏ urani của Kazakhstan. Những mỏ vàng, đồng, cobalt và các loại kim loại hiếm cũng là "nam châm" thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đề cập đến tính chất đặc biệt của chuyến thăm cũng như quan hệ 2 nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan, Aibek Smadiyarov nêu rõ: "Điểm đặc biệt của chuyến thăm nằm ở chỗ Kazakhstan là quốc gia đầu tiên mà nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm kể từ khi bắt đầu đại dịch".

Ngay khi tới Nursultan, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Kazakhstan là 2 quốc gia láng giềng tốt, đối tác tốt, nêu rõ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, 2 nước luôn tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.

Trước đó, trong bài viết đăng trên báo Kazakhstanskaya Pravda, ông Tập Cận Bình cho biết: "Trong chuyến thăm sắp tới, tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev về cách thức thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn Trung Quốc - Kazakhstan trong thời kì mới, mở rộng và tối ưu hóa hợp tác song phương cùng có lợi". Mục tiêu là mong muốn "hình thành mô hình mới cho sự phát triển quan hệ song phương, tập trung vào cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc và Kazakhstan".

Một trong những chỉ dấu cho thấy mối quan hệ bền chặt giữa hai nước là việc năm nay Bắc Kinh đề xuất đưa Kazakhstan trở thành thành viên Nhóm BRICS+, một trong những liên minh lớn nhất thế giới, được xem như đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Việc chọn Kazakhstan là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau gần 3 năm là bằng chứng về sự gần gũi giữa 2 quốc gia láng giềng, là bước tiếp nối để "mở ra một giai đoạn vàng son 30 năm" trong quan hệ song phương, như thỏa thuận giữa lãnh đạo 2 nước trong một cuộc điện đàm hồi tháng 2/2022

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp