Nông thôn cần được xem là một di sản
Trong tham luận “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới - Thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống” tại Hội thảo Văn hoá 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu thực tế, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hóa”, lạc lõng với khung cảnh làng quê.
Kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hoá bản địa. Mỗi địa phương có thiên nhiên khác biệt. Mỗi dân tộc anh em trầm tích những bản sắc văn hoá riêng. Tuy nhiên, thật trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Đường hóa phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc”. Nông thôn là nơi con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, “cây chen lá, đá chen hoa”.
Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sống trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông thôn cần được xem là một di sản. “Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hoá tạo ra giá trị tâm thức. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Hình thành các nguồn lực cho phát triển văn hoá
Còn trong tham luận “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá”, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra vấn đề: kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Quốc hội, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật bước đầu.
Cụ thể, quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách phát triển văn hóa tương đối toàn diện. Ngành Văn hóa đã được Đảng, Nhà nước giao tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành 5 Luật, trình Chính phủ ban hành 50 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Quyết định; cùng với đó là trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được lãnh đạo Bộ ban hành, điều chỉnh trực tiếp.
Hai là, với sự ủng hộ của các Bộ chuyên ngành, hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho văn hóa cũng đã được trình Quốc hội ban hành như Luật thuế Giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013…
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, quỹ khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.
Như vậy, ở lĩnh vực này, các Bộ chuyên ngành đã trình Quốc hội thông qua các bộ luật, các nghị định để hình thành các nguồn lực cho vấn đề về phát triển văn hoá.
Ba là, khung chính sách đã tạo môi trường cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa từ nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế với sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo thống kê, so với mức đóng góp vào GDP chiếm 2,68% năm 2015, tới năm 2018, tỉ lệ này đạt 3,61% GDP cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Nhìn chung, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực văn hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng di sản, di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ của dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.