Hướng tới tương lai bền vững, thích ứng tốt và cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế

15/09/2022 11:39

Sáng 14/9, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) và các hội nghị liên quan chính thức khai mạc tại Siem Reap, Vương quốc Campuchia với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại các nước ASEAN...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ôn lại chặng đường Campuchia hội nhập cùng các quốc gia, đối tác trong khu vực và thế giới để xây dựng cộng đồng chung, nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN; điểm lại những nỗ lực và thành tựu của ASEAN trong 30 năm hội nhập kinh tế khu vực, kể từ thời điểm thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1992 đến nay; những đóng góp quan trọng trong củng cố và phát triển, đưa ASEAN trở thành khu vực có quy mô kinh tế lớn thứ 3 của châu Á và thứ 6 của thế giới.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị AEM-54
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị AEM-54

Điểm lại những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh những nỗ lực và ưu tiên của nước chủ nhà ASEAN 2022 nhằm bảo đảm tính hiệu quả của ASEAN trong ứng phó với các thách thức và rủi ro liên quan, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng bộ. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, ASEAN cần lưu ý nhiều hơn đến hệ thống thương mại trên cơ sở luật lệ, nguyên tắc toàn cầu hóa, cơ chế đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực; vấn đề chống bảo hộ và nâng cao khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; việc kết nối hậu cần, xây dựng kinh tế số, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững và an ninh lương thực…

Thủ tướng Hun Sen nhắc lại ý tưởng đề xuất thành lập Thỏa thuận xanh ASEAN mà ông đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 và các hội nghị liên quan hồi đầu tháng trước tại Phnom Penh, trong bối cảnh thế giới và ASEAN đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và yêu cầu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 2030. Ông tin tưởng thỏa thuận này sẽ giúp ASEAN từng bước hướng tới tương lai bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thích ứng tốt và cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế.

Chương trình nghị sự của Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 11 - 18/9, tập trung vào tăng trưởng trong khu vực, hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và trao đổi thương mại với các nền kinh tế hàng đầu. Những ngày tới, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tiến hành hàng loạt phiên thảo luận với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, Canada và Nga, cùng các đối tác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Trước đó, tại Diễn đàn Đối tác và nhà lãnh đạo ASEAN 2022 trong các ngày 12 và 13/9 với chủ đề "Đối tác vì một ASEAN liên kết và có trách nhiệm", Thủ tướng Hun Sen khẳng định và mong muốn các nước ASEAN và toàn thế giới sống trong hòa bình lâu dài, ổn định, phát triển thịnh vượng, với sự tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương của Liên Hợp Quốc, tham gia các cơ chế đa phương dựa vào đối thoại và cùng nhau nỗ lực đối phó với các thách thức bằng biện pháp hòa bình, cởi mở, thấu hiểu và kiên nhẫn.

Thủ tướng Hun Sen cũng chia sẻ một số quan điểm cá nhân để bổ sung cho các cuộc bàn thảo trong Diễn đàn này, trong đó nêu rõ không thể phát triển kinh tế-xã hội nếu không có hòa bình và ổn định. Trong bối cảnh bất ổn địa - chính trị không ngừng gia tăng, ASEAN cần tăng cường tính thống nhất và trung lập, tham gia cơ chế đa phương và đối tác để đối phó thách thức. Để phục hồi kinh tế toàn diện và bền vững, ASEAN cần thúc đẩy hội nhập kinh tế và trở thành trung tâm đầu tư, thương mại năng động, hấp dẫn, bằng cách giảm thuế và rào cản phi thuế quan, thúc đẩy thực hiện đầy đủ các thỏa thuận thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp