Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đơn vị nêu quan điểm về đề xuất xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học.
Với lĩnh vực văn học, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có công văn số 46 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa ra quan điểm của mình. Theo đó, Hội Nhà văn đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nêu rõ trong công văn: "Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội.
Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng "nhà văn" là cao quý, thiêng liêng".
Các nhà văn hiện có nhiều giải thưởng danh giá để tôn vinh, phấn đấu, điển hình như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, các giải của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn. Do đó, theo ông Thiều, các tác giả không cần thêm một danh hiệu.
Theo Nghị định 89 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, các cá nhân được xét tặng phải hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do phải đạt đủ các tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia...
Với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ phải từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" và sau đó đạt một trong các tiêu chí: có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân) hoặc có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo H. H / Ngày Mới Online