Hội Gióng Phù Đổng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010. Lễ hội như một bảo tàng sống chứa đựng đạo lý và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Sau 2 năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, hội Gióng Phù Đổng trở lại từ ngày 6/5 đến 10/5/2022, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Tất cả mọi người đều vô cùng háo hức và mong chờ lễ hội, đặc biệt là những người dân nơi đây.
Cô Hạ, người dân làng Phù Đổng chia sẻ: "Đáng ra hội đã diễn ra từ năm kia nhưng do dịch nên mới hoãn lại. Năm nay hội được Nhà nước cho tổ chức, to và hoành tráng hơn. Các nhân vật có đầy đủ như là cô tướng, ông hiệu… được đầu từ rất công phu. Vì thế dân làng có khí thế hơn và bản thân tôi cũng thấy rất vui và tự hào về quê hương."
Đây cũng là một trong những lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng trận đánh của Thánh Gióng một cách sinh động nhất, dưới hình thức sân khấu hóa, tái hiện lại theo thể thức kịch trường dân gian - nét nổi bật đặc biệt tại hội Gióng Phù Đổng.
Năm nào lễ hội được tổ chức thì kịch trường dân gian cũng được đầu tư và tổ chức rất bài bản. Nhưng Cô Tướng - một nhân vật quan trọng thì 5 năm mới xuất hiện một lần và luôn là điểm nhấn, nhận được sự quan tâm của người dân nói chung và khách tham quan lễ hội nói riêng.
Cô Tướng tượng trưng cho vai phản diện đứng đầu quân xâm lược trong hội Gióng và còn được coi là mỹ nhân kế trong truyền thuyết xưa.
Nhưng trước sự anh minh, dũng mãnh của Thánh Gióng thì Cô Tướng đã thất bại hoàn toàn. Có tất cả 28 Cô Tướng, bao gồm Cô Tướng Đốc Chánh Soái và Cô Tướng Phó Soái - tướng cầm đầu và trực tiếp chỉ huy.
Để trở thành Cô Tướng, phục vụ cho lễ hội không phải việc dễ dàng. Các bậc cao niên trong làng sẽ lựa chọn ra những bé gái có độ tuổi từ 6-10 tuổi là độ tuổi chưa dậy thì, thể hiện sự trong trắng và phải có tính tình ngoan ngoãn, lễ phép, có duyên với hội.
Theo tìm hiểu, trong thời gian tập luyện cho lễ hội, các Cô Tướng sẽ sinh hoạt trong phòng riêng, biệt lập với mọi người.
Đồng thời, Cô Tướng cũng phải kiêng khem, làm các việc lành. Người ta cho rằng trong thời gian phục vụ lễ mà Cô Tướng có bất cẩn, nói những từ ngữ không đúng thì những người thân trong gia đình sẽ gặp ốm đau, cảm sốt.
Ngay lập tức họ phải chuẩn bị lễ tạ xuống đền Mẫu, đền Thượng để xin Thánh thứ lỗi để tiếp tục phục vụ lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Hồi (ở Hà Nội) - bà của bé gái được chọn vào vai Cô Tướng chia sẻ: "Gia đình rất vui và tự hào khi bé đã được chọn làm cô tướng. Dù nhà ở Minh Khai, chỉ có cụ là quê gốc ở đây, nhưng vì em bé có duyên với hội nên gia đình cũng tạo điều kiện và chuẩn bị đồ lễ chu đáo, chăm sóc Cô Tướng kĩ càng. Đây là niềm vinh hạnh của bé và gia đình".
Ngoài những ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, khi các bé gái được trải nghiệm đóng vai nhân vật Cô Tướng còn mang ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước và đức tính khiêm nhường trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Theo Ngọc Giang - Thuý Quỳnh / Ngày Mới Online