Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022 Nguyễn Thanh Hà: 'Hồn nước' trân trọng môi trường sống

18/02/2023 07:55

12 con rối trong bộ trang phục được thực hiện hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường như cói, lát, mây, tre, lục bình... theo đúng tiêu chí khắt khe của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023.

Xuất sắc giành ngôi vị Hoa hậu cuộc thi Miss Eco - Hoa hậu Môi trường Việt Nam vào tháng 6/2022, trở thành người đẹp Việt Nam đầu tiên sở hữu danh hiệu này, Nguyễn Thanh Hà (sinh năm 2004, quê Bến Tre) đã có những hoạt động sôi nổi, để lại nhiều dấu ấn đậm nét sau 8 tháng đăng quang.

Đó là một chuỗi liên tiếp các hoạt động về từ thiện, cộng đồng, bảo vệ môi trường như trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà, xây cầu cho người nghèo, đạp xe vì môi trường xanh, ủng hộ những tổ chức tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, trồng cây xanh, bảo vệ nguồn nước, thúc đẩy lối sống xanh và sử dụng sản phẩm tôn trọng môi trường…

Từ ngày 22/2 đến 4/3/2023, Hoa hậu Thanh Hà sẽ tham gia tranh tài cùng đại diện nhan sắc của 64 quốc gia khác tại cuộc thi Hoa hậu Môi trường thế giới.

Mời bạn đọc cùng Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống xanh điểm lại những hành trình của Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà, cũng như khám phá về “Hồn nước” – trân trọng môi trường sống, “Câu chuyện một dòng sông” – thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam mà cô mang theo đến Ai Cập.


Hoa hậu hoạt động môi trường sôi nổi nhất

Sau khi nhận vương miện, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà ngay lập tức bắt tay vào các hoạt động lan tỏa thông điệp về sự thay đổi lối sống, những điều giản dị hàng ngày để mỗi người có thể lắng nghe và thân thiện hơn với môi trường.

- Tham gia hoạt động trồng cây xanh tại quận 8, Cần Giờ; tặng hàng ngàn cây xanh, chậu kiểng cho cư dân các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Thanh Hà đã tham dự lễ trao giải Hội thi Xây dựng công trình Sạch - Xanh - Thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM tổ chức.

- Tham gia “Ngày hội đi xe đạp vì môi trường” tại TP.HCM với sự tham dự của Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan, Lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia và Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại TP.HCM, Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP.HCM.

Hoa hậu môi trường Thanh Hà cũng vinh dự được chọn làm Đại sứ Văn hóa - Du lịch - Môi trường Côn Đảo.

- Chuẩn bị thành lập "Quỹ hỗ trợ phụ nữ thích ứng biến đổi khí hậu". Nguồn quỹ khởi động được trích từ tiền thưởng qua cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022 mà Thanh Hà được trao tặng. Quỹ hướng đến hỗ trợ, đào tạo phụ nữ nông thôn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long các kỹ năng, kiến thức và năng lực để ứng phó trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra những khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống.


Hoa hậu thích diện áo dài để giữ gìn “hồn nước”

Có thể thấy, trong hầu hết các chương trình mà nàng hậu tham gia, trừ những hoạt động cần trang phục năng động, thoải mái để phù hợp hoàn cảnh và các hoạt động riêng, nàng hậu đều diện áo dài. Không chỉ phù hợp với vóc dáng “chuẩn hoa hậu”, áo dài còn là trang phục mà người đẹp gốc Bến Tre dành tình yêu đặc biệt.

“Áo dài không chỉ tôn nét đẹp của phụ nữ Việt mà còn chứa đựng hồn dân tộc, khiến bất cứ người phụ nữ nào diện lên cũng sẽ cảm thấy tự hào. Mang sứ mệnh của một hoa hậu môi trường, tôi diện áo dài không chỉ vì sự yêu thích mà còn là để góp phần vào việc giữ gìn văn hóa truyền thống, phát huy giá trị của chiếc áo dài. Do đó, tôi rất háo hức và tự hào khi có cơ hội mang quốc phục chinh phục quốc tế tại cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới sắp tới” - Thanh Hà bày tỏ.

Thanh Hà viết rất nhiều bài chia sẻ, nội dung xoay quanh chủ đề bảo vệ môi trường sống mà cô rất quan tâm và đầy trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông:

- Đi xe đạp bảo vệ môi trường, sức khỏe và tiết kiệm xăng

- Thành phố tôi yêu

- Hãy cho tôi rác

- Hãy nhẹ tay với vòi nước sạch

- Nếu bớt đi một chiếc túi nylon

- Chỉ cần ta trồng một mầm xanh…


Hoa hậu ủng hộ nông sản Việt Nam nồng nhiệt

Người đẹp từ Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên tình nguyện tham gia ủng hộ các sản phẩm nông nghiệp, trái cây, các loại lương thực thực phẩm. Cô tin tưởng rằng khi nông nghiệp Việt phát triển, cây trái Việt được xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ phát triển phương thức sản xuất thân thiện hơn với môi trường và giúp cho nông dân có đời sống tốt hơn.

- Làm Đại sứ Thương hiệu của Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực

- Thực phẩm TP.HCM.

- Tham gia giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đặc thù cũng như quảng bá tiềm năng kinh tế của địa phương tại Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần thứ nhất năm 2022.

- Tham gia quảng bá nông sản, sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh nhà Bến Tre.

Một trong những Hoa hậu trả lời ứng xử hay

Cùng xem lại câu trả lời ứng xử đã giúp Thanh Hà đăng quang trong đêm chung kết Miss Eco 2022: Nếu em đạt danh hiệu Miss Eco 2022, em sẽ làm gì để xứng đáng với vai trò đại sứ cho cuộc thi trong các hoạt động bảo vệ môi trường?

Thưa quý ban giám khảo và quý khán giả. Là một người trẻ lớn lên từ vùng đất Bến Tre với đất đai màu mỡ, khí hậu rất lành cho nông nghiệp, em thấm thía ý nghĩa và giá trị của môi trường sống với bản thân mình và người thân yêu. Từ sau hạn mặn năm 2016, dù lúc đó em còn nhỏ, nhưng em đã thấy ông bà em, bà con hàng xóm vất vả ra sao khi không có nước ngọt và đồng bị ngập mặn. Em hiểu rằng mình phải quan tâm và cố gắng hết sức bảo vệ môi trường.

Đạt danh hiệu Miss Eco là mơ ước cháy bỏng của em, đó cũng sẽ là con đường em chọn để có thể cùng chung tay với các hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu em là Miss Eco, quý khán giả sẽ chú ý hơn một chút trong những hoạt động môi trường em tham dự. Em sẽ dành những năm đại học của mình để tìm hiểu về môi trường và cuộc sống quanh em. Em sẽ thường xuyên tham gia các việc vừa sức, như đi vận động giảm xả rác, giảm sử dụng những loại túi nhựa dùng một lần, tiết kiệm hơn trong mọi khía cạnh đời sống để giảm thải rác ra ngoài. Em đặc biệt muốn làm thật nhiều việc để cổ vũ việc bảo vệ nguồn nước. Vì nước là sự sống. Vì nguồn nước là tương lai của chúng em và thế hệ sau. Vì nước là an ninh cho sự phát triển bền vững của thành phố và Việt Nam. Cũng như sau hạn mặn ở quê em, bà con khổ nhất là vì thiếu nước. Em muốn mình có thể cất cao tiếng nói bảo vệ nguồn nước, để mọi người trân trọng nguồn nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm hơn để ta có nguồn nước lâu dài cho tương lai.

Ngoài ra, với những bạn trẻ lớn lên giữa dịch Covid-19 như em, em càng thấm thía nếu môi trường mình bị ô nhiễm, bệnh tật sẽ phát sinh, sức khỏe sẽ bị đe dọa. Em muốn phụ giúp các chương trình, hoạt động của bạn bè cùng lứa tuổi để đưa thông điệp bảo vệ môi trường vì sức khỏe quanh ta đi xa hơn. Em muốn trở thành thế hệ khỏe mạnh và trưởng thành, và dành lại thế giới an toàn, lành mạnh đó cho những người trẻ sau mình.

Nếu em được vinh dự trở thành hoa hậu Miss Eco, đó sẽ là điều tuyệt vời nhất với em. Em sẽ hành động xứng đáng để góp tiếng nói mạnh mẽ, cùng những bạn trẻ như em có hành động thiết thực để giúp môi trường quanh ta trong lành và thực sự đáng sống, cho chính thế hệ của em và các thế hệ mai sau.

“Hồn nước” - trân trọng môi trường sống

Bộ trang phục dạ hội lấy ý tưởng từ nghệ thuật múa rối nước độc nhất vô nhị của Việt Nam, mang tên “Hồn nước” và được chế tác với trình độ tinh tế của nghệ nhân làm rối nước. NTK Nguyễn Hữu Bình bộc bạch: “Trong quá trình nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, tôi đặc biệt kính trọng và yêu mến bộ môn nghệ thuật rối nước cực kỳ đặc sắc, có một không hai trên thế giới, nơi tinh hoa của nghệ thuật kể chuyện kết hợp với cách tạo tác rối và không gian trình diễn mặt nước thật tuyệt vời”.

Tác phẩm chuyển tải thông điệp về giá trị nguồn nước, vẻ đẹp rực rỡ đầy sức sống của nước, sự thịnh vượng của văn hóa Việt ngàn xưa bắt đầu từ sự dồi dào của nguồn nước trong nông nghiệp, trên đồng lúa, trên cả sân khấu nghệ thuật. Nước là trung tâm của sự bừng nở và phát triển hàng ngàn năm.

12 con rối trong bộ trang phục được thực hiện hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường như cói, lát, mây, tre, lục bình theo đúng tiêu chí khắt khe của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023: Trang phục phải làm từ vật liệu tái chế và vật liệu tự nhiên ít gây hại cho môi trường, như một thông điệp thẩm mỹ được tạo tác từ tình yêu và sự trân trọng môi trường sống.

Theo NTK Nguyễn Hữu Bình: “12 con rối tượng trưng cho 12 tháng trong năm, như một chu kỳ tự nhiên hài hòa, nơi người Việt trân trọng mùa màng, sự an yên, thịnh vượng cũng như những mùa lễ hội hay khúc nông nhàn”.

Một điểm nhấn nữa của trang phục là hình tượng thủy đình cách điệu, lấy cảm hứng từ chùa Một Cột. NTK Hữu Bình chủ tâm để kết cấu tổng thể mang dáng dấp một đóa sen.

 

“Câu chuyện một dòng sông” Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Tác phẩm "Câu chuyện một dòng sông" phát triển từ cảm hứng và tình yêu của hoa hậu Nguyễn Thanh Hà với quê hương miền Tây, và được họa sĩ Thiên Thanh Trần vẽ tay trên áo khoác lụa tơ tằm nhuộm.

Trung tâm của trang phục là hình ảnh đầm hoa lục bình tím biếc. Đây là loài hoa quen thuộc với thổ nhưỡng và dòng chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Loài hoa được cư dân dùng làm thức ăn, đồ gia dụng, các loại sản phẩm đan lát. Hình ảnh này gợi nhắc nét đẹp của đất đai màu mỡ, dòng sông phù sa trù phú ở ĐBSCL. Nơi nào dòng Mekong đi qua, nơi đó xanh biếc, giàu đẹp, nông nghiệp phát triển, người dân có đời sống an bình, thịnh vượng. Ở phần này của tác phẩm, dòng Mekong là nguồn sống.

Đối lập với phần xanh biếc và bừng nở là những rẻo đất nứt nẻ, cánh đồng trải dài mênh mông cằn cỗi. Tác giả thể hiện hình ảnh thực tế từng xảy ra tại Bến Tre, An Giang trong mùa hạn nghiệt ngã năm 2016. Khi nước ngọt cạn kiệt và đồng cháy, cũng là lúc nước mặn xâm nhập và đồng lúa.

 

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp