Hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu

26/08/2022 11:57

(Chinhphu.vn) - Nhiều nước khu vực châu Âu hiện đang trải qua một đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây. Nắng nóng kéo dài gây hạn hán, cháy rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.

Hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu - Ảnh 1.
Đoạn sông Loire chảy qua xã Ingrandes thuộc vùng sông Loire (thủ phủ là thành phố Nante), phía tây nước Pháp cạn kiệt vì hạn hán. Ảnh: Rueters (chụp ngày 16/8/2022).

TTXVN dẫn đánh giá từ Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC) cho biết hạn hán năm nay tại châu Âu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây.

Dữ liệu mà JRC công bố cho biết hơn một nửa châu Âu đang có nguy cơ hạn hán; 17% diện tích châu lục đang ở trong tình trạng "báo động đỏ", tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng.

Tình trạng hạn hán hoành hành rõ nhất là ở Italy, vùng Đông Nam và Tây Bắc nước Pháp, miền Đông nước Đức, Đông Âu, vùng Nam Na Uy và các vùng rộng lớn của khu vực Balkan.

Nghiên cứu của JRC cảnh báo tình trạng nóng hơn và khô hơn có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay ở phía Tây Địa Trung Hải. Hạn hán nghiêm trọng cũng được dự đoán sẽ kéo dài thêm 3 tháng nữa ở Tây Ban Nha, miền Đông Bồ Đào Nha và khu vực dọc theo bờ biển Croatia.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu mưa nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hầu hết các con sông trên khắp châu Âu. 

Tại Croatia, do hạn hán, mực nước tại sông Drava, con sông lớn thứ 2 ở nước này, đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử, tới 1,7 m. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Croatia bắt đầu tiến hành đo mực nước tại con sông này vào năm 1827 (1,68 m).

Do hạn hán, mực nước sông ngòi đang giảm mạnh và đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng ... trên mức thông thường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, năng lượng.

Nắng nóng khiến cháy rừng bùng phát thiêu rụi khoảng 660.000 ha trên toàn châu Âu, vượt "kỷ lục" năm 2017 (420.913 ha).

Theo báo cáo của JRC, dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hoa hướng dương của các nước EU thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua.

Nắng nóng khắc nghiệt đã làm giảm lượng nước và làm mất khả năng hoạt động của các nhà máy thủy điện trên khắp châu Âu. 

Tại Pháp, việc thiếu nước làm mát khiến các nhà máy phát điện ở Pháp phải cắt giảm sản lượng điện hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn.

Nhiều chuyên gia khi tượng cho rằng ở châu Âu, những đợt nắng nóng ngày càng kéo dài và thường xuyên hơn trong những năm gần đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong những năm tới đều liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu./.


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp