GS. Carlyle Thayer: ASEAN cần chủ động hơn để khẳng định vai trò trung tâm

10/11/2022 14:23

(Chinhphu.vn) - GS. Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng ASEAN và Việt Nam cần chủ động hơn trong việc khẳng định sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN giữa lúc căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng.

GS. Carlyle Thayer: ASEAN cần chủ động hơn để khẳng định vai trò trung tâm - Ảnh 1.
GS. Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ một số vấn đề liên quan đến Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ảnh: VGP

Như tin đã đưa, tiếp sau chuyến thăm chính thức Campuchia 2 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan tại Campuchia từ ngày 10-13/11 theo lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Nhân dịp này, Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn GS. Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia về những thành tựu nổi bật của ASEAN trong suốt lịch sử 55 năm hình thành và phát triển; những nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN để duy trì sự đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội cùng những kỳ vọng về kết quả của các Hội nghị Cấp cao của ASEAN lần này.

Thưa Giáo sư, theo ông đâu là thành tựu quan trọng nhất của ASEAN trong suốt 55 năm qua với tư cách là một khối? Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào những thành tựu đạt được?

GS. Carlyle Thayer: ASEAN đã đạt được 5 thành tựu nổi bật trong suốt lịch sử hình thành và phát triển vừa qua.

Trước hết, ASEAN đã thống nhất được bốn quy tắc tạo nên nội hàm "Phương cách ASEAN" (ASEAN Way), gồm - đối thoại và tham vấn, đồng thuận, không can thiệp và vận hành với tiến độ phù hợp cho cho tất cả các quốc gia thành viên. Các thành viên từ bỏ vũ lực bằng cách gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).

Thứ hai, ASEAN mở rộng từ 5 thành viên sáng lập ban đầu lên 10 thành viên, với 5 thành viên mới là Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia và có khả năng bổ sung Timor-Leste.

Thứ ba, ASEAN có tính thể chế hóa cao với các cuộc họp cấp bộ trưởng thường xuyên và hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo. ASEAN đã thành lập Ban Thư ký tại Indonesia và thông qua Hiến chương để chính thức hóa quan hệ giữa các thành viên.

Thứ tư, ASEAN thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và mở rộng tiến trình này sang xây dựng cộng đồng dựa trên 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội.

Thứ năm, ASEAN chính thức hóa quan hệ với các quốc gia khác thông qua đối thoại và quan hệ đối tác theo ngành cũng như việc thành lập các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác (ASEAN+1), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu…

Trong ASEAN, Việt Nam là nước đi đầu với các sáng kiến nhằm giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa các thành viên kém phát triển hơn và các thành viên phát triển. Một quan chức cấp cao của Việt Nam, ông Lê Lương Minh, đã đảm nhiệm thành công vai trò Tổng Thư ký ASEAN. Bên cạnh đó, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt nỗ lực toàn khu vực nhằm chống lại đại dịch COVID-19.

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của các Hội nghị cấp cao lần này khi thế giới đang đối mặt với cuộc xung đột tại Ukraine, tình hình Myanmar, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và lạm phát gia tăng trên toàn thế giới?

GS. Carlyle Thayer: Tầm quan trọng quốc tế của ASEAN phụ thuộc vào khả năng triệu tập tổ chức các cuộc họp thường niên của mạng lưới các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt, chẳng hạn như ASEAN+1, ARF, EAS, ADMM+ với sự tham dự của các cường quốc.

Các Hội nghị ASEAN+1 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề song phương cụ thể. Cấp cao Đông Á (EAS) là cơ chế duy nhất của các nhà lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và đóng vai trò như một diễn đàn đối thoại chiến lược về các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh. ASEAN không thể tự mình giải quyết các vấn đề toàn cầu nhưng có thể thúc đẩy đối thoại và tham vấn giữa các đối tác đối thoại.

ASEAN hoạt động dựa trên cơ chế ra quyết định đồng thuận. Việc nhất trí thông qua Thỏa thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những ví dụ điển hình về nguyên tắc đồng thuận của ASEAN.

ASEAN sẽ không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn và mong muốn các cường quốc ủng hộ sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực.

ASEAN hoạt động tốt hơn nhiều trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Australia-New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực.

Đâu là những nguyên tắc cốt lõi mà ASEAN cần tuân thủ, bất kể tình hình khu vực và quốc tế là gì, thưa ông?

GS. Carlyle Thayer: ASEAN cần tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực cốt lõi như: (1) Năm nguyên tắc chung sống hòa bình (tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình); (2) Phương cách ASEAN (bao trùm, đối thoại và tham vấn, đồng thuận, không can thiệp và vận hành với tốc độ phù hợp với các thành viên) và (3) Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (giải quyết hòa bình các tranh chấp, từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và thúc đẩy pháp quyền).

Theo Giáo sư, làm thế nào để ASEAN và Việt Nam có thể duy trì vai trò tổ chức trung tâm của mình trong cấu trúc mới nổi của khu vực? ASEAN nên tự định hướng như thế nào trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng và khó lường hiện nay?

Giáo sư Carlyle Thayer: ASEAN và Việt Nam cần chủ động hơn trong việc khẳng định sự thống nhất và vai trò trung tâm của khối vào thời điểm căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng.

Điều này có nghĩa là ASEAN không thể thụ động đối phó với những thay đổi mà cần chủ động phát huy sáng kiến để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, trong đó có tình hình ở Myanmar.

Ông trông đợi điều gì từ các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan sắp tới tại Campuchia?

Giáo sư Carlyle Thayer: Có hai nhóm vấn đề chính mà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 sẽ xem xét là xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ đối ngoại ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét và thông qua các khuyến nghị về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; đánh giá việc thực hiện Hiến chương ASEAN; ứng phó của ASEAN đối với COVID-19; kết nối ASEAN; sáng kiến về hội nhập ASEAN, hợp tác tiểu vùng…

Về đối ngoại, các nhà lãnh đạo khu vực sẽ thảo luận: Đơn xin gia nhập ASEAN của Timor Leste, vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ với các đối tác đối thoại, tình hình ở Myanmar, xung đột tại Ukraine, Biển Đông và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!


Theo Hải Minh-Thùy Dương / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp