Tôi và đồng chí Mai được phân công vào nội thành móc nối với các cơ sở nắm tình hình địch chuẩn bị cho trận đánh. Trưa 2/2/1968, tuy không móc nối được với cơ sở nhưng chúng tôi đã nắm xong tình hình địch rồi rút ra để báo cáo chỉ huy. Đến ngã ba Diệp Kính (Rạp hát Nhân dân ngày nay), gặp chiếc xe lam, chúng tôi nhờ đưa ra khỏi cầu Hội Phú. Xe vừa chạy được một đoạn thì phía trước có một người khoát tay ra hiệu dừng xe. Ngay lúc đó, một chiếc xe Jeep với 4 tên cảnh sát áp vào đánh bắt tôi.
Hơn 2 tháng, chúng dùng mọi hình thức tra tấn bằng dùi cui, đá bằng giày đinh, đánh bằng roi điện rồi tra điện, đóng kim vào 10 đầu ngón tay, đổ nước xà phòng vào miệng… Vừa đánh, chúng vừa mua chuộc dụ dỗ, song tôi vẫn không khai báo để làm tổn thất cho cách mạng. Gần ba tháng bị tra tấn ở Ty thẩm vấn và cuối cùng, địch đưa tôi xuống nhốt ở Nhà lao Pleiku. Vào nhà lao, tôi gặp được các đồng chí cấp ủy các xã Kon Thụp, Đak La, Đe Hliêm, Đê Ar, Đak Bơt, Đê Kinh,… và nhiều anh, chị em quen khác. Tôi còn được gặp đồng chí Nguyễn Kim Kỳ (sau này là Bí thư Đảng ủy Nhà lao).
Địch giam ở Nhà lao Pleiku khoảng 800 người, trong đó có hơn 100 người là lính ngụy đảo ngũ và thường phạm. Tình hình ở Nhà lao sau tết Mậu Thân rất phức tạp. Bọn cai ngục tìm đủ mọi cách đàn áp, khủng bố và tra tấn tù nhân một cách tàn bạo. Chúng nhốt số lượng người tăng gấp 2 lần. Phòng giam không có lỗ thông hơi nên đêm nào anh em cũng bị ngất, có người phải đi bệnh viện cấp cứu nhưng không thấy về. Tôi được nhốt chung với anh em dân tộc thiểu số ở phòng số 2. Số đảng viên bị bắt trước, trong Nhà lao có quen biết nhau nhưng chưa tập hợp được. Sau tết Mậu Thân, số đảng viên bị bắt tăng lên, trong đó có nhiều người là dân tộc thiểu số. Trước tình hình rất bức xúc, đòi hỏi cần phải có tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào, chống lại âm mưu đàn áp, khủng bố của địch và củng cố lại niềm tin sau khi bị địch khai thác, tra tấn từ Trung tâm thẩm vấn đưa về Nhà lao Pleiku.
Sau mấy tháng tìm hiểu và phân loại từng đảng viên có liên hệ kiểm điểm ưu, khuyết điểm, nhất là thời gian bị địch bắt và thái độ khi về Nhà lao, tháng 8/1968, số đảng viên cốt cán đã tập hợp, thành lập 4 chi bộ. Các chi bộ hợp thành Đảng bộ Nhà lao Pleiku, do đồng chí Nguyễn Kim Kỳ làm Bí thư Đảng ủy và đồng chí Sơn làm Phó Bí thư.
Khoảng 1 năm sau, địch đưa một số tù chính trị đi nhà giam nơi khác, trong đó có một số đồng chí trong cấp ủy nên Đảng bộ bầu bổ sung. Đồng chí Nguyễn Kim Kỳ tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy, tôi làm Phó Bí thư, đồng chí Ksor Veo là Đảng ủy viên. Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Nhà lao là: Tiếp tục tìm hiểu số anh em tù chính trị từ Trung tâm thẩm vấn và các nơi khác đưa tới, tạo điều kiện giúp đỡ về tinh thần, vật chất để anh em yên tâm, không bị dao động trước những khó khăn, ác liệt, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng.
Đảng bộ đã tranh thủ bọn giám thị đưa anh Chơn và một số anh em xuống nấu ăn và phân phối thức ăn, bảo đảm thức ăn nấu chín và chia công bằng. Lãnh đạo Đảng bộ Nhà lao còn tìm cách đưa đồng chí Nguyễn Kim Kỳ lên Trạm xá ghi tên thuốc, bảo đảm cho ai cũng được xin thuốc trị bệnh, ốm đau được quan tâm hơn; vận động đưa đồng chí Kỳ làm công việc tiếp nhận khẩu phần ăn hằng ngày do nhà thầu cung cấp.
Các phòng giam 1, 2 và 5 cũng đấu tranh thắng lợi việc chống bắt tù ngồi học nội quy và hát quốc ca ngụy. Bằng các hình thức sinh hoạt, giúp đỡ nhau giữ gìn vệ sinh… Những ngày kỉ niệm lớn như ngày 3/2, 19/5, 2/9… Đảng bộ đều tổ chức kỉ niệm trong từng phòng giam. Đặc biệt, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, Đảng ủy tổ chức lễ truy điệu, ca ngợi cuộc đời cách mạng và tấm gương hi sinh cao cả của Bác. Đảng ủy vận động anh em bị buộc đi làm bên ngoài đấu tranh không đào hào cho địch, không xây lô cốt và không làm những việc chống lại cách mạng. Các đảng viên trong Đảng bộ bị địch bắt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 ở các Khu 3, 4, 5, 6, 7 cùng một số đồng chí bị địch bắt trước đó đã đồng lòng, kề vai sát cánh, không ngại hi sinh, quyết chiến đấu giữ gìn khí tiết của người cộng sản.
Cùng trong thời gian này, qua đấu tranh, thử thách, Đảng bộ Nhà lao đã kết nạp được 1 đảng viên mới Võ Ngọc Bửu, nguyên giáo viên, cơ sở của ta trong nội thị Pleiku. Trong tù, Võ Ngọc Bửu là một thanh niên rất kiên trung với cách mạng, bất khuất trước kẻ thù, được mọi người tin yêu. Sau giải phóng, đồng chí là cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Pleiku, nay đã nghỉ hưu.
Trong suốt 4 năm, Đảng bộ Nhà lao Pleiku làm được một số việc thể hiện tính chiến đấu bắt nguồn từ niềm tin vào Đảng và cách mạng, tinh thần đoàn kết một lòng. Đến tháng 5/1972, tôi cùng một số đồng chí khác bị địch đày ra Nhà tù Côn Đảo và tiếp tục chiến đấu giữa địa ngục trần gian gay go, ác liệt để giữ vững khí tiết của người cộng sản.
-----------------
(*), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Nhà lao Pleiku
Theo Trần Đắc (*), Văn Thư / Ngày Mới Online