Ba nhà khoa học trên đã thực hiện những thí nghiệm mang tính đột phá với các trạng thái vướng mắc lượng tử hay rối lượng tử - hiệu ứng trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ tức thời với nhau dù chúng có nằm cách nhau bao xa.
Ba chủ nhân của Nobel Vật lý 2022 từng thực hiện các thí nghiệm đột phá bằng cách sử dụng trạng thái vướng mắc lượng tử. Các thí nghiệm của họ đã phá vỡ bất đẳng thức Bell, do nhà vật lý lượng tử lừng danh John Stewart Bell đưa ra từ những năm 1960, cho thấy những tiềm năng ngoài dự đoán của cơ học lượng tử.
Các kết quả của họ đã mở đường cho việc ứng dụng công nghệ mới cũng như lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng như máy tính lượng tử, mạng lượng tử và truyền thông lượng tử.
Giáo sư Alain Aspect, sinh năm 1947, tại Agen, Pháp. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Paris-Sud năm 1983 và hiện là Giáo sư tại Đại học Paris-Saclay.
Ông John F. Clauser, sinh năm 1942 tại Pasadena, Mỹ. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Columbia (New York, Mỹ) năm 1969 và hiện là nhà vật lý nghiên cứu tại công ty J.F. Clauser & Associates.
Ông Anton Zeilinger, sinh năm 1945 tại Ried im Innkreis, Áo. Ông hiện là Giáo sư tại Đại học Vienna.
Ba nhà khoa học cho biết cảm thấy sốc nhưng rất hạnh phúc khi được xướng tên cho giải Nobel Vật lý 2022.
Chia sẻ với Reuters qua điện thoại từ nhà riêng ở Walnut Creek, California, Mỹ, nhà khoa học John F. Clauser không giấu được sự hạnh phúc sau khi đoạt giải Nobel Vật lý 2022 sau hơn một nửa thế kỷ nghiên cứu. "Tôi bắt đầu công việc này lần đầu tiên vào năm 1969. Vì vậy, tôi rất vui vì vẫn còn sống để nhận giải thưởng".
"Thông điệp của tôi cho các nhà khoa học tương lai là hãy nghiên cứu vật lý vì niềm vui. Tôi đã không làm giàu từ nó nhưng cảm thấy rất hài lòng khi khám phá ra những điều mới mà không ai khác biết trong quá trình này", nhà khoa học Mỹ chia sẻ.
Còn nhà khoa học Aspect trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Quỹ Nobel hôm 4/10 cho biết ông tự hào là một trong ba người đoạt giải, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. "Điều quan trọng là các nhà khoa học phải giữ được cộng đồng quốc tế của họ vào thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia".
"Giải thưởng này là một sự khích lệ cho các bạn trẻ. Tôi sẽ không thể nhận giải nếu không có hơn 100 bạn trẻ làm việc cùng trong những năm qua", ông Zeilinger nói với Qũy Nobel trong một cuộc phỏng vấn.
Đây là giải thưởng thứ hai được công bố mùa giải Nobel năm 2022. Trước đó, chiều 3/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2022 thuộc về nhà khoa học người Thụy Điển Svante Paabo với công trình nghiên cứu về gene của các loài linh trưởng đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của loài người.
Đây cũng là giải Nobel Vật lý thứ 116 được công bố kể từ năm 1901. Giải thưởng với tiền mặt trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (gần 900.000 USD) sẽ được trao cho các chủ nhân giải Nobel 2022 vào ngày 10/12 tới trong lễ trao giải ở Stockholm.
Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm giải Nobel Hóa học (ngày 5/10) và giải Nobel Văn học (ngày 6/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 7/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2022 vào ngày 10/10./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ