Theo dòng chảy của sự phát triển, nhất là khi ngành công nghệ 4.0 xuất hiện, những tưởng báo giấy sẽ khó lòng chạy đua trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, thế nhưng tại TP.HCM, nếu ai đó một hôm nào dậy sớm, vô tình đi ngang đường Lý Chính Thắng, Trần Quốc Thảo quận 3, hoặc con phố Châu Văn Liêm quận 5, sẽ bắt gặp các sạp báo vẫn nhộn nhịp như xưa nay vẫn từng. Hình ảnh những người giao báo tất tả chở báo trên những yên xe cao ngất, những sạp tờ mờ sớm đã bày những tờ báo còn nóng hổi thơm mùi giấy mới trên vỉa hè, đến những độc giả sáng dậy tập thể dục rồi đứng chờ đón ấn phẩm mình yêu thích, mọi thứ như một nét đẹp đến không ngờ. Báo giấy thực sự vẫn còn mang giá trị riêng của nó.
Như bao nhiêu năm nay, sáng một ngày cuối tháng chạp, ngồi trò chuyện với những người bạn cũ về những ngày giáp Tết, cầm trên tay quyển Thời sự Y học, ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông, cô Hoàng Thị Khánh chia sẻ, tạp chí đã gắn bó với mình và gia đình mấy chục năm rồi. “Tôi đọc báo từ ngày còn chưa mang kính, giờ tóc đã hai màu, mắt đã phải mang kính lão, thế nhưng mỗi lần báo ra là mỗi lần tôi đọc từng dòng một. Cả tờ không sót một chữ nào. Cũng nhờ đọc báo, làm theo hướng dẫn của bác sĩ mà tôi phát hiện chứng bệnh nan y ở giai đoạn sớm”.
Còn với cô Trần Kim Trưng, nhà ở Quận 5, tờ báo giấy như là người bạn thân thiết. “Với tôi, báo giấy thuận tiện hơn cả bởi chữ nghĩa cầm trên tay trở nên dễ dàng cho việc đọc. Tờ báo giấy có thể xếp lại và mở ra bất cứ lúc nào, thay vì chiếc điện thoại nhỏ xíu mỗi lần muốn tìm kiếm thông tin thì phải nhờ đến con cháu. Cứ rảnh rỗi không làm việc nhà, tôi lại lấy báo ra đọc. Đọc xong lại xếp vào một góc. Thi thoảng lại lấy ra đọc lại mà không thấy chán”.
Là người bạn thâm niên với Khoa học phổ thông từ hơn chục năm nay, chú Nguyễn Trọng Tân nhà ở Quận 6, cho biết, cả hai vợ chồng chú có thói quen cắt những bài báo yêu thích để riêng một ngăn tủ: “Nhất là những bài về kiến thức khoa học hoặc y học, tôi để đó đến khi cần thì mang ra như cẩm nang. Với tôi cách làm này tiện lợi vô cùng”.
Đọc báo giấy, cầm tờ tạp chí hay một quyển sách trên tay không chỉ là niềm vui và sở thích của người có tuổi. Nhiều bạn trẻ thời đại 4.0 vẫn chọn cho mình cách đọc truyền thống. “Ai đó nói thời nay mọi thứ chỉ cần lên mạng, nhưng tôi vẫn thích cầm trên tay tờ báo giấy bởi với tôi, mỗi bài báo khi được phóng viên trau chuốt thành bài, được biên tập soi từng câu chữ, được thiết kế dày công dàn trang trước khi được in ra, nó thể hiện sự chỉn chu trọn vẹn. Nói như vậy không có nghĩa là những hình thức thông tin khác là cẩu thả, nhưng cái cảm giác cầm sản phẩm báo chí được in trên giấy vẫn có một cảm xúc rất khó tả”, bạn Huỳnh Lý và nhóm bạn đang làm việc trong lĩnh vực ngành ngân hàng chia sẻ.
Hay nói như Ngọc Tiên, nhân viên của một hãng hàng không, cái cảm giác cầm tờ báo hay một quyển tạp chí trên tay, lật từng trang và nghe âm thanh sột soạt luôn thật hơn và mang lại nhiều cảm xúc hơn.
Cuộc sống luôn vận động. Mọi thứ đều chạy đua, để đáp ứng nhu cầu “nhanh – gọn – lợi” của số đông, song dù mọi thứ có hiện đại đến đâu, thì những nét truyền thống vẫn thực sự có giá trị riêng của mình. Văn hóa đọc nói chung và sách in báo in cũng thế. Dù kỹ thuật số có lấn dần và chiếm ưu thế đến đâu thì với không ít người, quyển sách hay tờ báo, những thứ có thể chạm từng trang, vẫn là món ăn tinh thần khó có thể thay thế.