Tuy nhiên, giới phân tích nhận định với tỉ lệ ủng hộ 59%, vị trí thủ tướng của ông Johnson đối mặt với nhiều bấp bênh. Tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ 63% mà người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May giành được trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 12/2018. Bà May đã phải từ chức chưa đầy 6 tháng sau cuộc bỏ phiếu này. Các thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ trước đó, bà Margaret Thatcher và ông John Major, cũng lần lượt ra đi chỉ một thời gian ngắn sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Uy tín của ông Johnson trong đảng cũng xuống thấp, đặc biệt sau khi công chức cấp cao Sue Gray cuối tháng trước công bố báo cáo chi tiết về các cuộc tiệc tùng tại Văn phòng thủ tướng vào năm ngoái, thời điểm Anh đang áp lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19, trong đó nhận định "đã có những thất bại về lãnh đạo" tại Văn phòng thủ tướng và Văn phòng nội các liên quan tới các cuộc tiệc tùng này. Trước đó, vào tháng 4, Thủ tướng Boris Johnson và phu nhân Carrie Johnson cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nằm trong số hơn 120 người bị cảnh sát phạt tiền do vi phạm quy định phòng dịch.
Tỉ lệ tín nhiệm cá nhân của ông Johnson trong đảng cũng xuống mức - 42 điểm. Theo một khảo sát thực hiện trên website của đảng Bảo thủ, trong số các thành viên đảng, ông Johnson là người có tín nhiệm thấp nhất trong nội các với hầu hết trong số trên 1.000 người trả lời đều chống lại ông.
Với quy định hiện tại, ông Johnson vẫn an toàn khi không phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ít nhất trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, các quy định có thể thay đổi và áp lực đang gia tăng khi hai cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 tại Tiverton và Honiton, Tây Nam nước Anh, và Wakefield ở Yorkshire, sau khi hai nghị sĩ đảng Bảo thủ phải từ chức do liên quan tới các bê bối tình dục. Các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Bảo thủ có khả năng mất cả hai khu vực bầu cử này.
Chiến thắng của Thủ tướng Johnson trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cũng không đồng nghĩa rằng, một danh sách dài các vấn đề của ông đã chấm dứt. Đứng đầu danh sách này là sự chia rẽ trong đảng Bảo thủ. Với 148 phiếu phản đối, giờ đây Thủ tướng Johnson phải đối mặt với sự chống đối nội bộ có thể dẫn đến nhiều "cuộc nổi loạn" trong đảng. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu hơn là quyền lực của ông Johnson hiện đang suy giảm nghiêm trọng, khiến ông có thể phải chật vật để thông qua các nội dung chương trình nghị sự của mình khi vấp phải sự phản đối từ nội các.
Ngoài những vấn đề trong nội bộ đảng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục là thách thức lớn về chính sách mà ông Johnson sẽ phải đương đầu. Cách xử lí của chính phủ với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đảng Bảo thủ cầm quyền chịu thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 5/5 vừa qua, khi mất ghế vào tay Công đảng đối lập tại nhiều khu vực truyền thống ở London.
Trong ngắn hạn, lạm phát được cho sẽ tiếp tục tăng và Bộ Tài chính Anh nhiều khả năng sẽ phải đưa ra hỗ trợ cần thiết trong mùa Đông, khi kịch bản xấu nhất có thể gồm việc cắt điện đối với hàng triệu ngôi nhà. Về dài hạn, chính phủ của ông Johnson tiếp tục đối mặt với khó khăn do năng suất kém và tăng trưởng kinh tế đình trệ. Thêm vào đó là thách thức phục hồi sau dịch Covid-19 và giải quyết những vấn đề tồn đọng do tác động của đại dịch…
Với hàng loạt thách thức, ông Johnson hiện phải đối mặt với một cuộc chiến đầy khó khăn để duy trì quyền lực và vị trí thủ tướng, trong đó không loại trừ khả năng ông có thể phải rời ghế sớm hơn dự kiến.
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online