Đây cũng là lần đầu tiên công dân Italy trong độ tuổi từ 18 - 25 được chính thức tham gia bầu các đại diện của mình ở cả Thượng viện, ngoài việc được đi bầu Hạ viện. Ngoài ra, lần đầu tiên số nghị sĩ được bầu tại cả Hạ viện và Thượng viện giảm xuống lần lượt 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng 630 và 315 trước đây, khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Cuộc bầu cử được tổ chức sớm hơn 2 tháng sau khi chính phủ Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức. Các lực lượng chính trị tại Italy đều phải đối mặt với những khó khăn như thời gian vận động tranh cử ngắn, tiến hành trong thời tiết mùa Hè khắc nghiệt. Tuy nhiên, đảng Anh em Italy (FdI) đã vươn lên và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, với kết quả thăm dò ngày 10/9 cho thấy tỉ lệ ủng hộ FdI lên tới 25%. Nếu tính cả tỉ lệ ủng hộ 2 đồng minh của FdI là các đảng Liên đoàn (Lega) và Tiến lên Italy (Forza Italia), liên minh trung hữu có khả năng giành được khoảng 45% sự ủng hộ của cử tri. Ngược lại, tỉ lệ ủng hộ dành cho liên minh trung tả dưới sự dẫn dắt của đảng Dân chủ (PD) đang dừng ở mức 30%.
Giáo sư Matteo Luigi Napolitano, chuyên gia về đối ngoại và lịch sử quốc tế thuộc Đại học Molise (Italy) cho biết: "Kết quả các cuộc thăm dò dư luận, cũng như quan điểm của giới phân tích hay giới truyền thông, rất rõ ràng và đều cho thấy liên minh trung hữu và đảng FdI của bà Giorgia Meloni nhiều khả năng sẽ thắng cử. Tuy nhiên, đây là một cuộc bầu cử đầy khó khăn, lần đầu tiên bầu cử diễn ra sau tháng nghỉ Hè, có quá ít thời gian để các đảng triển khai chiến dịch tranh cử cũng như để xây dựng một chương trình cụ thể và tìm thấy điểm chung trong liên minh. Trong khi, luôn tồn tại sự chia rẽ đáng kể giữa các đảng trong liên minh và sau bầu cử cũng vậy. Đây là khó khăn cho sự ổn định chính phủ tương lai".
Người dân Italy đã chuẩn bị tinh thần đón nhận sự thay đổi chính trị lớn, khi nước này đang phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, từ tỉ lệ lạm phát cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu, đến cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, điều mà người dân Italy, Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế muốn biết là liệu chính phủ sắp tới có thể tiếp tục duy trì sự yên bình hiếm hoi như trong giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng Draghi, hay chính trường Italy lại tiếp tục rơi vào bão táp…
Theo hãng tin Reuters, bà Giorgia Meloni nhiều khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy sau khi Liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FdI) của bà Meloni lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại nước này.
Bà Meloni, 45 tuổi, cam kết ủng hộ chính sách của phương Tây đối với Ukraine và không chấp nhận rủi ro quá mức với nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, kết quả này có thể sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các nước châu Âu và trên thị trường tài chính, do mong muốn duy trì sự thống nhất khi đối đầu với Nga và lo ngại về khoản nợ lớn của Italy.
Italy có lịch sử bất ổn chính trị và thủ tướng tiếp theo sẽ lãnh đạo chính phủ thứ 68 của nước này kể từ năm 1946 và phải đối mặt với một loạt vấn đề, đặc biệt là chi phí năng lượng leo thang và những khó khăn kinh tế ngày càng tăng…
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online