Trước cuộc họp ngày 20 - 21/9, FED đã 4 lần tăng lãi suất, gồm 2 lần tăng 0,75 điểm cơ bản, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Lãi suất cơ bản ở Mỹ hiện trong khoảng 2,25 - 2,5%. Theo dự đoán của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, cuối cùng, FED không thể không tăng lãi suất lên trên mức 4,3% để kiềm chế lạm phát. Ông Lawrence Summers nói thêm rằng, nếu muốn kiểm soát lạm phát một cách tuyệt đối, FED phải tiếp tục tăng lãi suất. Trong các tuyên bố của FED cũng thấy quan điểm xuyên suốt giải thích quyết định tăng lãi suất là để kiềm chế lạm phát.
Quả thực, Mỹ đang đối mặt với lạm phát đáng ghi vào lịch sử. Tháng 5/2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kì năm 2021, cao nhất kể từ năm 1981. Nhưng sang tháng 6, kỉ lục ấy bị xô đổ khi CPI vượt ngưỡng 9%, đạt 9,1%, trước khi giảm về mức 8,5% trong tháng 7 và 8,3% trong tháng 8. Dẫu vậy, CPI tháng 8 vẫn tăng vượt mức dự báo của thị trường (8,1%) khiến Fed phải hành động mạnh tay. Dự báo cấp tiến nhất cho tới thời điểm này có lẽ là của Mark Mobius, người được giới đầu tư gọi là "ông vua của thị trường mới nổi". Mark Mobius cho rằng, FED có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn mức lạm phát để kiềm chế sự leo thang của giá cả và không loại trừ khả năng tăng tới 9%.
Lạm phát ở Mỹ có nguyên nhân do xung đột Nga - Ukraine làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, khiến giá dầu mỏ, khí đốt, lương thực và phân bón tăng mạnh. Tuy nhiên, cốt lõi là từ chính sách nới lỏng tiền tệ (QE) của Mỹ. Năm 2008, sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, Fed lần đầu tiên thực hiện QE, giải phóng một lượng lớn tiền ra thị trường. Nửa đầu năm 2019, Fed bắt đầu bán bớt tài sản và giảm lượng cung tiền. Song, nền kinh tế Mỹ không chịu đựng nổi sự thắt chặt này và FED phải đảo ngược chính sách, nới lỏng trở lại…
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, FED buộc phải tăng lãi suất, khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác nhằm đầu tư vào các tài sản Mỹ có lợi suất cao và đồng USD đã mạnh lên. Với vai trò là đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu, biến động của đồng USD luôn gây ra ảnh hưởng ở diện rộng. Sự mạnh lên của đồng USD được cảm nhận rõ nét trong tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng ở Sri Lanka, lạm phát kỉ lục tại châu Âu và thâm hụt thương mại kỉ lục tại Nhật Bản...
Một vấn đề nữa là sự tăng giá của đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy tỉ lệ lạm phát của các nền kinh tế khác. Chính điều này buộc hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới phải nâng lãi suất theo nhằm chống lạm phát. Lãi suất tăng khiến chi phí đi vay cũng tăng, ảnh hưởng đến hàng loạt thị trường bất động sản từ Australia đến Canada. Với các nước và doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD, áp lực càng lớn.
Vấn đề ở chỗ các nền kinh tế hiện nay không có nhiều công cụ để tác động ngược lại đồng USD. Các nhà đầu tư hiện nay không chỉ dự đoán FED tiếp tục tăng lãi suất, mà còn lo lắng về rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới đã được nhiều thiết chế tài chính quốc tế, bao gồm WB cảnh báo. Việc này khiến dòng vốn càng đổ vào đồng USD nhiều hơn, qua đó thúc đẩy "đồng bạc xanh" tiếp tục đi lên.
Nói tóm lại, việc FED tăng lãi suất không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên việc đồng USD tăng giá tác động sâu rộng đến cả những nền kinh tế phát triển lẫn các nước nghèo. Thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy, trong số 31 đồng tiền của những nền kinh tế chủ chốt, có đến 4 đồng tiền của các nước giàu nằm trong nhóm 10 đồng tiền biểu hiện tệ nhất năm. "Nỗi đau" lan toả từ đồng USD mạnh xem ra không chừa ai và sẽ còn kéo dài.
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) / Ngày Mới Online