Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sáng kiến này - có tên gọi là PM Gati Shakti, tiếng Hindi là "Sức mạnh của tốc độ" - tạo ra một nền tảng kĩ thuật số bao gồm sự tham gia của 16 bộ, ngành. Cổng thông tin này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và công ty giải pháp một cửa, với nhiệm vụ thiết kế các dự án, đồng bộ quy trình phê duyệt và đưa ra ước tính chi phí dễ dàng hơn.
Tại Ấn Độ, một nửa dự án cơ sở hạ tầng đang bị trì hoãn. 1/4 công trình vượt quá ngân sách dự toán. Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ công nghệ mới sẽ là giải pháp để tháo gỡ những nút thắt cổ chai này.
"Nhiệm vụ của PM Gati Shakti là triển khai các dự án mà không bị quá hạn và quá ngân sách. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là các công ty toàn cầu sẽ chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất của họ", Amrit Lal Meena, cố vấn đặc biệt về hậu cần của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại New Delhi.
Siêu sáng kiến của Ấn Độ được công bố trong bối cảnh các nhà đầu tư đang dần tìm những quốc gia khác ngoài Trung Quốc để mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung cũng như đối tác. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này không chỉ cung cấp lao động giá rẻ mà lực lượng đó còn có thể nói tiếng Anh.
Anshuman Sinha, một đối tác tại Kearney India - công ty đi đầu trong ngành vận tải và cơ sở hạ tầng cho biết: "Cách duy nhất để cạnh tranh với Trung Quốc là cạnh tranh về chi phí, tiết kiệm nhất có thể. Sáng kiến Gati Shakti sẽ giúp việc lưu chuyển hàng hóa và linh kiện sản xuất đi khắp cả nước dễ dàng hơn. Nhiệm vụ chính của dự án là xác định các cụm sản xuất mới và liên kết các địa điểm đó liền mạch với mạng lưới đường sắt, cảng và sân bay của quốc gia".
Việc ứng dụng công nghệ để giảm tải quy trình quan liêu là rất quan trọng để Ấn Độ tháo gỡ các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ. Trong số 1.300 dự án mà cổng thông tin Gati Shakti hiện giám sát, gần 40% bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rừng và môi trường, dẫn đến vượt ngân sách. Cho đến nay, cổng thông tin đã giải quyết vấn đề của khoảng 200 dự án.
Trong sáng kiến Gati Shakti, chính phủ sẽ sử dụng công nghệ để bảo đảm con đường mới xây dựng không bị đào lại để lắp cáp điện thoại hoặc đường ống dẫn khí đốt. Sáng kiến dự kiến mô hình hóa các dự án cơ sở hạ tầng theo châu Âu đã làm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai hoặc những gì Trung Quốc đã làm từ năm 1980 đến năm 2010 để nâng cao chỉ số cạnh tranh của quốc gia.
"Hiện nay Ấn Độ cam kết đầu tư ngày càng nhiều hơn để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và đang thực hiện từng bước để bảo đảm các dự án không gặp trở ngại. Cơ sở hạ tầng chất lượng là chìa khóa để khởi động một số hoạt động kinh tế và tạo việc làm trên quy mô lớn. Nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại, sự phát triển toàn diện không thể xảy ra ở Ấn Độ", Thủ tướng Modi phát biểu tại lễ ra mắt sáng kiến năm ngoái.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để tạo việc làm mới và hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo cũng đã đạt được một số thành tựu ban đầu.
Apple hiện bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ. Trước đó, năm 2018, "Ông lớn" công nghệ Hàn Quốc Samsung mở nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại quốc gia này. Công ty Ola Electric Mobility Pvt cam kết xây dựng nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tại đây.
Theo VM (tổng hợp) / Ngày Mới Online