“Chuyện tình cuối mùa Đông”: Quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen vào nhau

12/12/2022 20:15

Quá khứ, hiện tại, tương lai được kể đan xen vào nhau trong "Chuyện tình cuối mùa Đông", một cốt truyện hậu hiện đại, với nhiều tuyến nhân vật, như một cuốn tiểu thuyết được dồn nén, lại rất có vấn đề. Nhưng có bài chỉ mô tả tâm trạng, không có nhân vật sắc nét, như chàng “cô đơn xuống phố” tìm người để tâm sự, mà đêm khuya lấy ai trải lòng.

  • 20:15 ,12/12/2022

Quá khứ, hiện tại, tương lai được kể đan xen vào nhau trong

Quá khứ, hiện tại, tương lai được kể đan xen vào nhau trong "Chuyện tình cuối mùa Đông", một cốt truyện hậu hiện đại, với nhiều tuyến nhân vật, như một cuốn tiểu thuyết được dồn nén, lại rất có vấn đề. Nhưng có bài chỉ mô tả tâm trạng, không có nhân vật sắc nét, như chàng “cô đơn xuống phố” tìm người để tâm sự, mà đêm khuya lấy ai trải lòng.

Triết lý cuộc sống: Trong đó có anh, có tôi, có cả chúng ta

Chuyện tình cuối mùa Đông” của PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, không ghi thể loại gì, nhưng đọc xong, tôi tạm cho rằng đây là tập tùy bút. Tuy nhiên cũng có bài giống như một truyện ngắn như “Bên kia dốc núi”, kể về nhân vật Hoàng, có bóng dáng tác giả, trở về Đà Lạt, nơi mà mấy chục năm về trước chàng sinh viên trường Y mới tốt nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, chưa có việc làm...

Quá khứ, hiện tại, tương lai được kể đan xen vào nhau, một cốt truyện hậu hiện đại, với nhiều tuyến nhân vật, như một cuốn tiểu thuyết được dồn nén, lại rất có vấn đề. Nhưng có bài chỉ mô tả tâm trạng, không có nhân vật sắc nét, chỉ có không khí truyện, đó là bài “ Cô đơn xuống phố”. Đó là những đêm như đêm nay, khi mọi người ngủ say, chàng xuống phố, cảm giác cô đơn làm chàng phải tìm người để tâm sự, mà đêm khuya như thế này lấy ai để trải lòng mình. Hình như tác giả rất cô đơn, nhiều bài ta thấy nỗi cô đơn đè nặng trong tâm hồn người viết.

Phần lớn bài viết trong “Chuyện tình cuối mùa Đông”  là những tâm sự về thời cuộc, về thế thái nhân tình. Có khi mượn hình ảnh của bạn mình về chuyện tình yêu, vượt lên chuyện tình yêu và hôn nhân là triết lý cuộc sống, trong đó có anh, có tôi, có cả chúng ta.

“Sám hối” là một truyện như thế. Tôi đồng ý với tác giả: “Triết lý của chúng ta hiện nay đang áp dụng cho mọi con người, mọi thể chế xã hội, mọi sắc tộc, tốt nhất là “Chấp nhận sự chưa hoàn thiện để đạt tới sự hoàn thiện”.

Sống tích cực để có những áng văn lấp lánh

Bởi quan niệm tích cực như vậy nên có khá nhiều bài phóng sự của Nguyễn Hoài Nam viết về những ngày tác giả là bác sĩ ở bệnh viện, trực tiếp khám chữa bệnh và mổ xẻ cứu người "nhẹ nhàng như không". “Nhật ký một ngày của bác sĩ” viết về đêm 30 Tết, sáng mùng một Tết; chỉ những giờ khắc thiêng liêng đó thôi, bác sĩ đã phải khám và chữa bệnh cho bao nhiêu người.

“Chuyện tình cuối mùa Đông” là những ví dụ cho áng văn lấp lánh tài hoa của Nguyễn Hoài Nam.

Giao thừa là giây phút thiêng liêng thế mà bác sĩ, nhà văn của chúng ta phải “khai đao”, để giữ sự sống ấm áp. “Ngay phút giao thừa, ca mổ đầu tiên được thực hiện, nuốt vội miếng bánh chưng của đồng nghiệp gắp vào bát, chúng tôi vội vã xuống phòng mổ, và những đường rạch đầu tiên mà giới chuyên môn hay gọi đùa là khai đao đầu xuân ấy không phải trên giấy thơm hay trên tấm vải lụa dùng để vẽ của những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ trong động tác khai bút mà là trên da thịt của bệnh nhân, của đồng loại”.

Bài “Ba giờ trong phòng cấp cứu” hay bài “Ngày Tết ở bệnh viện”... là những phóng sự về cái vất vả, cực nhọc, lo lắng của người bác sĩ, nếu không viết ra có lẽ chúng ta không thể hình dung được. Ấy thế, bác sĩ vẫn yêu nghề, thậm chí những ngày đi công tác xa lại nhớ, lại thèm cái không khí bận rộn, vất vả, kể cả hơi người của bệnh nhân.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, tác giả "Chuyện tình cuối mùa Đông"

Trong sách, tác giả Nguyễn Hoài Nam cũng có nhiều bài viết về những chuyến đi công tác, đi du lịch ở trong và ngoài nước. Những bài viết này không phải chỉ viết về cảnh đẹp, về những cái lạ của xứ người mà còn dành nhiều trang so sánh giữa nước ta và nước bạn, rồi trăn trở, tại sao những cái hay đó bạn làm được mà ta chưa làm được. Không phải để ca thán, để lên án mà để người trong nước biết, rút kinh nghiệm, áp dụng nó, sẽ tốt biết bao cho quê hương mình, cho người dân nước mình.

Nhưng giá trị của “Chuyện tình cuối mùa Đông” không phải chỉ có thế. Mỗi chuyện là một áng văn chương. Có lẽ vì thế người ta mới đọc tản văn. “Thu vàng Bắc Kinh” là một ví dụ cho áng văn lấp lánh tài hoa của Nguyễn Hoài Nam.

“Buổi tối bầu trời trong và xanh đến kỳ lạ, nó trong và xanh như chưa bao giờ trong xanh đến thế kể từ ngày khai thiên lập địa đến tận bây giờ. Gió mùa Thu bắt đầu thổi nhẹ, trời mát và dịu đi rất nhiều. Từng chiếc lá ngô đồng rơi nhẹ góc phố, một vài bước chân vô tình của du khách lúc về khuya đạp lên những chiếc lá của mùa Thu. Nhưng tôi biết, chắc hẳn cây ngô đồng sẽ không bao giờ buồn cả vì nó luôn tự hào về những chiếc lá vàng ối của mình, những chiếc lá đã góp phần tạo nên những mùa Thu vàng phương Bắc.” 

Mỗi người đọc có cảm nhận riêng, phát hiện riêng về cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn chương. Tôi tin rằng phát hiện của độc giả còn lý thú hơn người viết bài giới thiệu này; thậm chí họ phát hiện ra cái hay, cái mới mà chính tác giả cũng bất ngờ, đó là đồng sáng tạo.

Nguyễn Trường

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp