Việt Nam là nước đi đầu mở cửa du lịch, nhưng chưa tận dụng được lợi thế

21/12/2022 13:04

Mở cửa du lịch từ tháng 3/2022, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.

Ngày 15/3/2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Việt Nam khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19, không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước COVID-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch và không có rào cản hạn chế du khách. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch.

Dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch.


 Một trong những khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam vào ngày 17.11.2021 tại Đà Nẵng. Ảnh: VIAGS

 

Năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam và toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Du lịch quốc tế bắt đầu phục hồi nhưng chưa được như mong muốn. Trong khi đó, du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 - khi chưa xảy ra đại dịch. 

Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột “Dịch vụ hàng không - du lịch” gày 16/12, ông Chris Farwell - đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - nhận định Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng không thể tận dụng lợi thế về thời điểm để thu hút khách du lịch. 

Thực tế, Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Thái Lan, Indonesia, Singapore đều vượt mục tiêu đón khách quốc tế. Ví dụ, Thái Lan mở cửa sau Việt Nam, nhưng đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, với tổng thu 14 tỷ USD. 

Đại diện TAB đề xuất Việt Nam cần mở rộng chính sách miễn thị thực với các thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, New Zealand và Canada. Thời hạn lưu trú nên được tăng lên trên 30 ngày cho khách quốc tế, và mở rộng cấp thị thực điện tử.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không - du lịch đưa ra nhiều nhóm giải pháp, đề xuất để thúc đẩy thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam gồm sáng kiến, đề xuất với Chính phủ nhằm mở rộng danh sách miễn thị thực; mở rộng số ngày miễn thị thực; xem xét việc bỏ bảo hiểm Covid-19.

Ngoài ra, các nhóm đề xuất từ phía các doanh nghiệp bao gồm xây dựng các sản phẩm du lịch; thúc đẩy đầu tư địa phương về vùng du lịch; quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới; nâng cao trình độ cán bộ; tăng cường chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam; các đơn vị truyền thông cần cố gắng tăng cường truyền thông những khó khăn cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu năm 2023, ngành du lịch sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; phát triển du lịch cộng đồng...

Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá tại các diễn đàn, hội nghị du lịch quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Anh; truyền thông du lịch Việt Nam trên một số kênh truyền thông quốc tế lớn...

Ngoài dấu mốc mở cửa hoàn toàn du lịch của Việt Nam, 9 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022 gồm:
1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
4. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
5. Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”
7.  Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023

Theo Ý Yên/ Lao Động

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp