Theo đại diện nhà trường, ngày 11/7/1995, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tuyên bố thiết lập, tuy nhiên từ trước đó cả chục năm, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn học giữa các nhà văn cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam đã rất sôi nổi.
Sự kiện được diễn ra, nhân dịp nhà thơ Nguyễn Bá Chung - Chuyên gia của Viện William Joiner đặc trách quan hệ với Hội Nhà văn Việt Nam, về thăm quê và ra mắt Tuyển tập thơ của mình xuất bản tại Hà Nội.
Chương trình có sự tham dự và chia sẻ của Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Bá Chung - Viện William Joiner, Đại học Massachusetts; Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Văn Lang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và Truyền thông Văn Lang.
Sau 27 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện của nhau. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ hữu nghị giữa hai nước có sự đóng góp tích cực của các nhà văn, nhà thơ từ cả hai phía. Nhiều nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh đã tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Với sự kết nối và tổ chức nhiều hoạt động văn đàn tích cực, Viện William Joiner (Đại học Massachusetts - Boston) đã phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm văn học nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, kêu gọi hòa bình đến công chúng yêu thơ văn của hai nước.
Nhiều lần về Việt Nam tham gia nhiều sự kiện, Giáo sư Nguyễn Bá Chung vẫn bần thần khi nhớ lại chuyến đầu tiên mời hai nhà văn cựu binh Việt Nam sang Mỹ. “Lúc đó phải qua Thái Lan chờ xin visa vào Mỹ, và thủ tục kéo dài đến ba tuần, đến nỗi nhà văn Ngụy Ngữ mất hết kiên nhẫn đã định bỏ về”, nhà thơ Nguyễn Bá Chung nhớ lại. Nhưng rồi chính nhờ những nỗ lực vô bờ ấy của Viện William Joiner mà nhiều thế hệ nhà văn hai nước đã đến được với nhau.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi kết nối với nhau bằng những trang văn, bài thơ, bằng tiếng nói của lòng người để khép lại hận thù. Và ngay cả khi chính phủ cả hai nước còn chưa có chính sách nối lại quan hệ ngoại giao, chính tiếng nói của những nhà văn này có tính chất phá băng, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước”.
“Chính các nhà thơ, nhà văn của hai phía đã tiên phong, âm thầm và hiệu quả trong việc xóa bỏ tảng băng ngăn cách, để bắc nhịp cầu bình thường hóa. Họ làm như một sứ mệnh tự giác của con tim và tình người” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
Trong khi đó tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Bá Chung kể lại hành trình bắc nhịp cầu văn hóa - văn học đầy gian truân, hiểu lầm lúc ban đầu, nhưng cũng đầy ý nghĩa, sự xúc động. Sau mấy mươi năm nhìn lại, họ vui vì những công việc và tác phẩm đã xuất bản không chỉ góp phần mang lại sự cảm thông, chia sẻ của nhân dân hai nước, mà còn góp phần làm cho chữ “hòa bình” thêm sinh động, bền chặt.
Hoạt động văn hóa “Lời chúc Hòa bình” nhìn lại chặng đường đã qua và giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ trẻ sẽ làm được nhiều việc tốt hơn dựa trên nền tảng mà các thế hệ đi trước đã gây dựng.
Theo PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang), nhà trường đã tích cực hợp tác liên kết với gần 20 trường đại học và doanh nghiệp của Mỹ để mở rộng cơ hội trao đổi học tập cho sinh viên. Trong chuỗi hợp tác liên kết quốc tế với các trường Đại học hàng đầu Hoa Kỳ, tháng 5/2022, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục ký kết hợp tác với Viện Công nghệ Chống dịch - Đại học Stanford (Mỹ), xúc tiến triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc đặc trị chống virus và điều trị ung thư...
“Với nền tảng đào tạo khối ngành Xã hội và Nhân văn, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Lang thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, mang giá trị văn hóa Văn Lang đến với cộng đồng, đào tạo những con người mang lại tác động tích cực truyền cảm hứng cho xã hội” - PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ.
Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Bá Chung là nhà thơ, nhà phê bình và dịch giả người Mỹ gốc Việt. Ông có nhiều hoạt động giới thiệu văn học hai nước để cùng bước sang trang bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Với những đóng góp đó, ông được ví như một “sứ giả văn học lưỡng quốc Mỹ - Việt”. Các tập thơ của ông đã xuất bản tại Việt Nam gồm: Mưa ngàn (1996), Ngõ hạnh (1997), Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh (1999), Nguồn (2009) và Tuyển tập thơ Nguyễn Bá Chung vừa ra đời tháng 10/2022.