Chị là Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa NCT, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam. Chị kể: Từ năm 1975 chị đi học Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh). Ra trường, chị về làm diễn viên Đoàn chèo Ninh Bình. Trải qua quá trình công tác ở ngành Văn hóa huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam rồi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015 chị về hưu. Chưa nghỉ ngơi được bao lâu, chị được lãnh đạo Trung tâm Văn hóa NCT mời về đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Trung tâm. Năm 2020, khi lãnh đạo cũ về nghỉ hưu, Trung tâm kiện toàn lại theo chỉ đạo của Trung ương Hội NCT Việt Nam, chị trở thành Giám đốc cho đến nay.
Tôi hỏi: "Suốt hơn nửa đời gắn bó với văn hóa, làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nay về với NCT, chị thấy trăn trở điều gì nhất?". Chị chậm rãi: "Quá trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mới thấy hiện mảng văn hóa đang rất thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số lại càng "khát" văn hóa. Nhu cầu được hưởng thụ văn hóa, được hoạt động văn hóa ở NCT là rất lớn. Nhất là trong xã hội hiện đại hiện nay, NCT đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi cả ngày con cháu đi học, đi làm, không có chỗ vui chơi, chia sẻ, bầu bạn tuổi già".
Điều đó cũng lí giải tại sao Trung tâm Văn hóa NCT lại thu hút khá đông nghệ sĩ chuyên nghiệp và nhiều thành viên thuộc các lĩnh vực khác sau khi nghỉ hưu đã tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa. Để tạo sân chơi cho các thành viên, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lí, nghiệp vụ biểu diễn cho các nghệ sĩ. Thu hút những nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật, tạo ra sự liên kết nhiều thế hệ nhằm kế thừa, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người lớn tuổi và sức trẻ mạnh mẽ đầy sáng tạo của thế hệ trẻ. Nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, cập nhật và chuyển tải những nội dung mới, chuyên đề mới đến khán giả yêu nghệ thuật. Đồng thời kết nối để tổ chức biểu diễn, tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên đi giao lưu, biểu diễn phục vụ các hội nghị lớn của Hội và công chúng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Luôn trăn trở để tìm ra cách làm mới, hướng đi mới hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Đó là bản lĩnh của Giám đốc Nguyễn Thị Kim Liên. Khi CLB Hát văn và diễn xướng hầu đồng ra mắt, đã có người ái ngại, lo rằng ranh giới giữa nghệ thuật và mê tín dị đoan là rất mong manh. Rồi khi kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của Thi đàn Việt…, có người đã "ác khẩu" bình luận: "Đúng là đồng bóng! Chả biết được mấy hồi!". Chị đã không quản ngại, ngày đêm suy nghĩ làm sao để tiếp tục chỉ đạo, điều hành các đơn vị thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động theo đúng nghĩa "Nghệ thuật phục vụ công chúng và NCT", tạo sân chơi lành mạnh cho chính thành viên của mình. Đến nay, Trung tâm đã thu hút gần 20 đoàn nghệ thuật và các CLB, với hàng nghìn thành viên, trong đó khoảng 70% là NCT. Thành lập và tổ chức được một số đơn vị chuyên biểu diễn ca múa nhạc tiếng Lào, tiếng Nhật và sắp tới phục vụ cả tiếng Hàn Quốc phục vụ khán giả nước bạn với những tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc và thắm tình hữu nghị anh em bạn bè quốc tế. Trong các đơn vị trực thuộc, Trung tâm thành lập Ban Chăm sóc sức khỏe, nhằm tuyên truyền các kiến thức, kĩ năng chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh tật tuổi già cho các thành viên. Các Đoàn nghệ thuật, CLB hoạt động theo quy chế, tự chủ về tài chính và chung tay với Trung tâm tổ chức các hoạt động.
Dưới sự điều hành của Trung tâm mà trực tiếp là Giám đốc Nguyễn Thị Kim Liên, các Đoàn nghệ thuật, các CLB cứ thay nhau biểu diễn theo các chương trình mà cơ quan, đơn vị, địa phương đăng kí, thỏa thuận hợp đồng.
"Quá trình hoạt động không chỉ cần tạo ấn tượng cho công chúng, mà còn cần tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Hội NCT và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, ủng hộ, hỗ trợ mình hoạt động", chị nói. Vì lẽ đó, trong các chương trình biểu diễn, Đoàn đều xin ý kiến lãnh đạo Trung ương Hội, có văn bản gửi về các địa phương, và biểu diễn hoàn toàn miễn phí. Đi đến đâu, không nhiều thì ít, Đoàn cũng có những phần quà thiết thực, ý nghĩa dành tặng NCT nghèo, NCT cô đơn không nơi nương tựa, NCT có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng Hội chăm lo hội viên và những mảnh đời kém may mắn… Tiền xe, phương tiện, trang phục, dụng cụ biểu diễn thì xã hội hóa. Riêng trang phục biểu diễn, từ nhiều năm qua, các CLB, Đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm đã tự trang bị từ nhiều nguồn như sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân…
Tôi hỏi, "Làm lãnh đạo ở một đơn vị phải tự chủ về mọi mặt như thế, khó khăn lớn nhất của chị là gì?". "Khó nhất là lựa chọn và sử dụng con người. Với nhiệm vụ góp phần cùng Trung ương Hội đẩy mạnh phong trào văn hóa thể thao, nâng cao thể chất, tinh thần cho NCT rất cần một phương pháp khoa học để tổ chức thực hiện. Phải làm sao để chọn những cộng sự của mình có sức khỏe, có trách nhiệm với xã hội, phẩm chất chính trị vững vàng, song lại phải có năng khiếu, đam mê nghệ thuật". Ba năm nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung tâm không thu được phí hoạt động, song nhờ uy tín và khả năng vận động xã hội hóa, CLB vẫn duy trì các hoạt động, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, được Trung ương Hội và NCT các địa phương ghi nhận, đánh giá tốt.
Chị cười: "Thuận lợi của chị là anh chị em nghệ sĩ, cán bộ quản lí hầu hết là cán bộ nghỉ hưu, không phải lo cơm áo gạo tiền nên vừa có điều kiện vừa có kinh nghiệm trong hoạt động phong trào, lại sẵn sàng đóng góp, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, kiến nghị lãnh đạo Trung ương Hội và Hội NCT các cấp có giải pháp truyền thông nâng cao khả năng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương và toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong giai đoạn già hóa dân số. Tại các tỉnh cũng nên thành lập những CLB văn hóa NCT và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch cấp tỉnh triển khai các hoạt động nhằm chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe NCT, động viên và tạo điều kiện để NCT để thêm yêu đời, yêu cuộc sống và giáo dục con cháu, thế hệ trẻ biết trân trọng, kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc".
Ông Hà Đình Loan, Trưởng đoàn Nghệ thuật CCB "Một thời hoa lửa" trực thuộc Trung tâm, cho biết: "Bà Liên là người có nghiệp vụ chuyên môn tốt, thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các đoàn nghệ thuật, các CLB như chúng tôi. Đồng thời, biết phát huy khả năng, thế mạnh của các thành viên, tạo động lực cho cán bộ văn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật. Trong cuộc sống, chị vui vẻ, hòa đồng, ứng xử nhã nhặn, văn hóa, làm việc có phương pháp, khoa học".
Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Văn hóa NCT Việt Nam đã từng bước vươn lên, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, giữ gìn và phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ, đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn phát triển. Nỗ lực chung đó được khẳng định qua các chương trình hoạt động, từng bước tạo được vị thế, dấu ấn tốt đẹp trong tổ chức Hội và NCT. Trong đó, có công đóng góp không nhỏ của Giám đốc Nguyễn Thị Kim Liên.
Theo Bài và ảnh: Thanh Hà / Ngày Mới Online