Đầu tư xứng đáng cho các cơ sở đào tạo giáo viên

12/07/2023 18:24


Hội thảo "Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" - Ảnh: VGP/HG

Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tại Hội thảo "Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 12/7.

Tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết, Đảng và Nhà nước ta xác định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển.

Chính vì thế, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nền GD&ĐT đất nước có nhiều bước phát triển, nhưng vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới.

Theo PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, thời gian qua, ngành Giáo dục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; có chuyển biến tốt hơn trong giáo dục phổ thông.

GD&ĐT theo định hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được thực hiện bước đầu. Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD&ĐT từng bước đổi mới theo hướng xác định phẩm chất và năng lực của người học. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng; bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn một số hạn chế, GD&ĐT vẫn nặng "về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề"; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; một bộ phận nhà giáo chất lượng thấp, cơ cấu đội ngũ nhà giáo có nơi chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ..

Hiện nay cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, cần đánh giá về các mô hình trên như thế nào, các trường chủ yếu đào tạo giáo viên đã có những đổi mới như thế nào, các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành thì nghiệp vụ sư phạm được thực hiện có tốt chưa? Cần sớm tổng kết một cách đầy đủ và có độ tin cậy cao về các ưu, nhược điểm của mỗi mô hình trong bối cảnh mới.

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ cũng cho rằng điều cốt yếu là chất lượng về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được; đồng thời đề nghị, nên tiếp tục cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa sư phạm. Cần phải xây dựng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TPHCM thực sự là trường trọng điểm. 2 trường này phải xứng đáng với vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng.

Giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Viết Vượng (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành Giáo dục đã trưởng thành thêm một bước, phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện, số trường học phát triển nhiều hơn, số lượng học sinh, sinh viên ngày một gia tăng, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, còn nhiều công việc chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay, giáo dục phổ thông có 2 vấn đề nổi lên, tạo ra những băn khoăn trong dư luận xã hội, đó là: Đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; xuất bản 5 bộ sách giáo khoa chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

PGS. TS Phạm Viết Vượng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ việc dự báo giáo dục 5 năm, 10 năm, đến việc tổ chức đào tạo giáo viên có chất lượng ở các trường đại học sư phạm, cũng như tuyển dụng giáo viên công khai, minh bạch, cần có chế độ tiền lương, ưu đãi cho giáo viên làm việc và cống hiến.

Đặc biệt, để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ và hệ thống, bắt đầu từ tuyển sinh cho các trường sư phạm. Để tuyển được nhiều học sinh giỏi có phẩm chất và năng lực phù hợp, ngành giáo dục nên có chính sách thu hút tài năng, cấp học bổng cho sinh viên sư phạm, nhưng giải pháp quan trọng có tính bền vững, lâu dài hơn là phải có chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo. Khi nhà giáo có thể "sống được bằng lương" sẽ không có ai bỏ việc.

Đồng thời cần quy hoạch lại các trường đại học sư phạm, nên có các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia đào tạo giáo viên chất lượng cao và sau đại học, nên các trường đại học sư phạm vùng trung tâm cho một số tỉnh nhỏ lân cận và các trường đại học sư phạm địa phương để đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Ở thời điểm hiện nay đã đủ điều kiện để đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học, cũng nên có chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học để dạy các môn tích hợp. Xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng dạy hộ, dạy thay, dạy chéo môn, cũng như lấy giáo viên trung học phổ thông để dạy ở trường trung học cơ sở....

Theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, trình độ và chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường Đại học sư phạm là điểm xuất phát cho chất lượng giáo dục của cả hệ thống, có tính bền vững, lâu dài. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư xứng đáng cho các cơ sở đào tạo giáo viên.

Hoàng Giang


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp