Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nhiệm vụ khoa học công nghệ

27/07/2023 16:00


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG

Ngày 27/7, tại Cần Thơ, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Thanh tra chuyên ngành KHCN năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, quản lý nhà nước về KHCN với phạm vi quản lý rộng, chuyên ngành phức tạp, có tính chuyên môn sâu và bao gồm các lĩnh vực: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KHCN.

Đây là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu khó khăn hơn, thách thức hơn đối với hoạt động thanh tra trong lĩnh vực KHCN.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong thời gian qua, hoạt động thanh tra chuyên ngành đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KHCN và chuyển giao công nghệ; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh nguồn phóng xạ, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KHCN góp phần bảo đảm hoạt động KHCN tuân thủ theo các quy định của pháp luật, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho KHCN.

Hội nghị Thanh tra chuyên ngành KHCN năm 2023 được tổ chức trong bối cảnh Luật Thanh tra năm 2022 bắt đầu có hiệu lực thi thi hành từ 1/7/2023. Các văn bản hướng dẫn thi hành với những quy định tăng cường tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, năm 2022, thanh tra ngành KHCN đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 6.080 cơ sở (thanh tra hành chính 20 cơ sở và kiểm tra chuyên ngành 6.060 cơ sở).

Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra gồm: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; sở hữu công nghiệp; an toàn bức xạ; hoạt động về KHCN; thực hiện nhiệm vụ, đề tài, dự án KHCN. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 309 cơ sở với tổng số tiền 7,8 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra ngành KHCN đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 3.057 cơ sở, trong đó thanh tra hành chính đối với 14 cơ sở, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 3.043 cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 163 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 3,5 tỷ đồng...

Về công tác phòng chống tham nhũng, Bộ KH&CN đã thực hiện thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2023, chưa phát hiện vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Sở KH&CN các địa phương cũng chưa phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ KH&CN, công tác này còn một số vướng mắc, trong đó, một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có những vấn đề chồng chéo, xung đột; việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành KHCN còn có những diễn biến phức tạp, nhất là đối với những mặt hàng mà ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể...

Trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ phối hợp giải quyết kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra ở Trung ương và địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ theo hướng tập trung rà soát các văn bản, chính sách và quy trình quản lý, thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước để phát hiện và khắc phục kịp thời sơ hở trong cơ chế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tiêu cực phát sinh trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước dành cho nhiệm vụ KHCN. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với các sở KH&CN địa phương trong việc kiện toàn, bảo đảm duy trì tổ chức thanh tra sở KH&CN...


Hội nghị Thanh tra chuyên ngành KH&CN được tổ chức trong bối cảnh Luật Thanh tra năm 2022 bắt đầu có hiệu lực thi thi hành từ 1/7/2023 - Ảnh: VGP/HG

Bảo đảm duy trì tổ chức thanh tra Sở KH&CN

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề đang đặt ra đối với thanh tra ngành KHCN khi triển khai thực hiện những quy định mới của pháp luật, như việc duy trì tổ chức thanh tra sở KH&CN; tăng cường hoạt động kiểm tra và thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra KHCN trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của thanh tra ngành KHCN trong thời gian tới để làm sao cơ quan thanh tra KHCN như là những người bạn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật...

Từ thực tiễn tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, UBND quan tâm đặc biệt đến hoạt động KHCN; luôn xác định KHCN và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển, ứng dụng KHCN. Tiếp theo đó, UBND TP. Cần Thơ đã ký kết Chương trình hợp tác toàn diện về KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025 với Bộ KH&CN.

Năm 2022, Thành phố có tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 13,31%. Tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 32,5% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn. Tiềm lực KHCN được quan tâm đầu tư, xây dựng một số cơ sở kỹ thuật quan trọng. Cơ chế quản lý KHCN từng bước được đổi mới. Công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra KHCN ngày càng chặt chẽ và hiệu quả... 

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo có trọng trách rất nặng nề. Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, gây nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bền vững.

Xuất phát từ thực tế phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực KHCN khá rộng, hoạt động mang tính đặc thù, tính chuyên môn kỹ thuật cao, Sở KH&CN Cần Thơ đề nghị tiếp tục duy trì tổ chức thanh tra sở KH&CN để bảo đảm, phù hợp theo quy định tại một số văn bản luật như: Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Năng lượng nguyên tử…

Đồng thời đề nghị Thanh tra Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và quy trình thực hiện thanh tra chuyên ngành về KHCN phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2022, các nghị định hướng dẫn và đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành KHCN...


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm hỏi, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Dục

* Cũng tại TP. Cần Thơ, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đến thăm hỏi và tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Dục (sinh năm 1925, có 2 con liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và thương binh Châu Bỉnh Khung (sinh năm 1948, bị thương năm 1968 khi đi công tác vùng địch kiểm soát).

Hoàng Giang


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp