Đà Nẵng sẵn sàng tổ chức rực rỡ lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn sau 3 năm lỡ hẹn

07/03/2023 11:17

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, hấp dẫn tại TP Đà Nẵng, kéo dài từ 8/3 đến ngày 10/3 (nhằm 17/02 đến 19/02 âm lịch).

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật, thời điểm để đồng bào phật tử nói riêng và Nhân dân nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đây là lễ hội diễn ra thường niên, được duy trì bởi người dân địa phương, góp phần vào việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước vào năm 2000. 21 năm sau, Lễ hội tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hồi tháng 2/2023, UBND TP Đà Nẵng cũng công bố thêm Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Đáng tiếc là 3 năm vừa qua (2020-2022), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà Lễ hội đã tạm dừng không tổ chức. Năm nay dự kiến sẽ vô cùng thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách thập phương.


Đứng từ chùa Quán Thế Âm, có thể phóng tầm mắt ôm trọn dòng sông Cổ Cò uốn lượn mềm mại, thơ mộng. Ảnh: Danang.gov

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm nay (2023) sẽ được UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố. Theo đó, Ban tổ chức sẽ do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến làm Trưởng Ban; ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban có 8 Phó Trưởng Ban và 13 thành viên là đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan; có 03 tiểu ban, gồm: Tiểu ban Lễ Tân - Hậu cần, Tôn giáo; tiểu ban Văn hóa, Thể thao, Thông tin, Truyền thông và Du lịch và tiểu ban An ninh - Trật tự, Vệ sinh - Môi trường và Y tế.

Lễ khai mạc dự kiến diễn ra lúc 19h00 ngày 8/3, sẽ công bố, trao kỷ lục Việt Nam cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm. Ngoài ra còn hoạt động quan trọng khác là Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức) diễn ra vào lúc 7h00 ngày 10-3 (tức 19-2 Âm lịch).

Một số các hoạt động khác đáng chú ý, gồm: Diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn, mới được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội; khai trương thư viện Vạn Hạnh – là thư viện với hơn 30.000 ấn phẩm liên quan đến phật giáo, văn hóa; hô hát Bài Chòi, trình diễn nghệ thuật nấu ăn món chay, hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co...

PV

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp