Cô đơn sông, cô đơn cây và cô đơn thành cổ!

11/03/2023 21:27

Mùa xuân là dịp nhiều người Việt hướng ra hải đảo hay lên biên giới, vừa khám phá vẻ đẹp kỳ thú vừa thể hiện tình yêu đất nước mình. Hà Giang ở biên giới phía Bắc với nhiều thắng cảnh và bản sắc văn hóa hiếm có là địa chỉ đáng tìm đến. Và ở đây có một nơi mang vẻ đẹp độc đáo của nỗi cô đơn: cây, sông và thành cổ!

Mùa xuân là dịp nhiều người Việt hướng ra hải đảo hay lên biên giới, vừa khám phá vẻ đẹp kỳ thú vừa thể hiện tình yêu đất nước mình. Hà Giang ở biên giới phía Bắc với nhiều thắng cảnh và bản sắc văn hóa hiếm có là địa chỉ đáng tìm đến. Và ở đây có một nơi mang vẻ đẹp độc đáo của nỗi cô đơn: cây, sông và thành cổ!

Năm mới Quý Mão 2023, chúng tôi lên thành phố Hà Giang thăm thú một số di tích thắng cảnh, trong đó có sông Lô chảy qua phố thị, rồi tiếp tục lên cao nguyên đá Đồng Văn vốn đã được UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu. Bên phải con đường Quốc lộ 4C là dòng sông xanh màu ngọc bích uốn lượn chảy dài ven sườn núi, rồi sông tách xa khỏi quốc lộ mấy mươi cây số mới gặp lại chạy song song nhau ở Quản Bạ và Yên Minh, đồng thời làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện này của tỉnh Hà Giang. 

“Sông Lô mùa này màu nước xanh ngọc đẹp quá”. Tôi vừa dứt lời thì anh tài xế tên Đăng “thổ địa” vùng này chỉnh ngay: “Đây là sông Miện. Sông Lô từ bên phía xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên chảy vào thành phố Hà Giang mới gặp sông này. Dòng sông Miện tuy ngắn nhưng gần như khúc nào cảnh cũng đẹp. Bốn mùa nước sông gần như đều trong xanh”. Tôi ngỡ ngàng. Suy nghĩ chủ quan lâu nay đánh lừa mình. Sông nước Hà Giang thường được biết đến là sông Lô, sông Chảy, sông Gâm, sông Nho Quế chứ cái tên sông Miện thì tôi chưa nghe bao giờ. 


Thành cổ Cán Tỷ bên dòng sông Miện

Anh Đăng còn cho biết lưu vực sông Miện có nhiều điểm thú vị đáng khám phá nhưng còn ít du khách biết đến. Từ lời giới thiệu hấp dẫn của tài xế, chúng tôi quyết định không theo kế hoạch ban đầu đi thẳng lên phố cổ Đồng Văn mà dừng chân một ngày đêm ở khu vực quanh sông Miện.

Bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc có tên Bát Bố Hà, sông Miện chảy vào nước ta qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Vị Xuyên ở tây bắc tỉnh Hà Giang trước khi đổ vào sông Lô tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang. Sông Miện là phụ lưu cấp 1 nằm bên bờ trái sông Lô, hay nói cách khác trong lòng sông Lô kể từ thành phố Hà Giang về xuôi có “dòng máu” sông Miện hòa vào. Mặc dù chiều dài chỉ khoảng 60km nhưng sông Miện phối hợp với núi rừng hoang sơ dệt nên bức tranh sơn thủy hữu tình quyến rũ cho cao nguyên đá, đồng thời là nguồn lợi kinh tế về thủy sản, thủy lợi, thủy điện…

Có đoạn lòng sông nhỏ lách khe núi hẹp. Có đoạn lại phình rộng ra qua thung lũng, làng mạc. Có đoạn dòng sông thẳng tắp êm đềm. Có đoạn lại uốn lượn với những khúc cua nước chảy mạnh tạo nên ghềnh thác. Vì vậy, sông Miện như bản tình ra khi trầm khi bổng, lúc dịu dàng bolero lúc tăng tốc tango. Dù thả bộ trên bờ hay đi thuyền dọc theo dòng sông trong “vòng vây” núi đồi đều mang lại cho chúng ta một cảm giác khoái lạc khác biệt. Sông Miện như người đẹp kiêu sa mà núi đồi như những gã khổng lồ “trồng cây si” trước sắc nước hương trời:

“Giữa vòng vây cơn ghen đồi núi

Sông Miện khỏa xanh nõn nà ngọc bích

Núi đồi nghiêng nghiêng những gã si tình

Ta hóa cây cô đơn bờ hoa tam giác mạch

Ngắm sông khỏa xanh hờ hững áo xuân thì

Vực thẳm bỗng âm vang tiếng đá nứt ngựa phi”

Giữa đại ngàn hùng vĩ, sông Miện như “người đẹp” cô đơn đầy kiêu hãnh. Càng khám phá lưu vực sông Miện càng phát hiện nhiều điều kỳ thú từ thiên nhiên tới con người. Nằm dọc hai bên bờ sông là những đồi cọ, đồi chè, đồi ngô, rừng cây, nương rẫy, làng mạc với những nếp nhà sàn lúc ẩn lúc hiện của đồng bào dân tộc thiểu số. Một không gian vùng cao hùng vĩ mà êm đềm. Một môi trường sống còn hoang sơ mà yên ả, thanh bình.

Do nước sông xâm thực và đứt gãy Tân kiến tạo khoảng 500 triệu năm trước mà hình thành một hẻm vực dài hơn 1km rất độc đáo nằm ở thôn Đầu Cầu 1 và thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Hai bên hẻm vực là vách đá vôi dốc đứng với nhiều hình thù kỳ thú trong không khí mát lạnh. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của sông Miện, góp phần tạo nên Cụm Di sản Hẻm vực sông Miện - Cán Tỷ chạy dọc hai bên quốc lộ 4C từ Quản Bạ lên Yên Minh được UNESCO rất quan tâm.

Cán Tỷ là một vùng đất khô đầy núi đá vôi. Theo tiếng Mông, “cán” có nghĩa là khô, “tỷ” là đất. Ngoài hẻm vực, vách núi đứt gãy thì cụm di sản này còn có thềm tích tụ đá cổ đổ lở, các cửa thung lũng treo trên đỉnh vách,… đặc biệt là rừng gỗ nghiến cổ thụ hiện còn 7 cây rất to có tuổi khoảng 250 năm bên cạnh nhiều cây nghiến nhỏ mọc xen kẽ. 


Cây nghiến cô đơn cổ thụ ở Cán Tỷ

Cây nghiến cô đơn nổi tiếng Hà Giang nằm ở Cán Tỷ là một phần của rừng nghiến cổ thụ ngày xưa. Nằm tách xa một mình, cây nghiến này đứng trên sườn núi đá nhìn xuống vực sâu có dòng sông Miện đang chảy qua. Gần đây, một con đường tránh của Quốc lộ 4C được mở chạy dưới chân cây nghiến, nên dễ dàng cho du khách tìm đến. Thân cây 5 người ôm, cao khoảng 40m, tán lá sum suê. Dáng cây nghiêng nghiêng về phía vực, với nhiều cành như những cánh tay khổng lồ vươn vẫy bầu trời. Dưới gốc cây có một hốc nhỏ được hình thành tự nhiên khá bắt mắt. Các nhà khoa học đã xác minh rằng, cây cô đơn này cùng những cây thuộc rừng nghiến cổ thụ ở Cán Tỷ là loại nghiến đỏ vô cùng quý hiếm trên thế giới.

Được xem là một trong những cây cô đơn đẹp nhất Việt Nam, biểu tượng vươn lên của con người Hà Giang trên cao nguyên đá khô cằn, cây nghiến cổ thụ được Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO bảo vệ cẩn thận. Trong điều kiện sống khắc nghiệt của cao nguyên đá nhưng cây cô đơn và cả rừng nghiến vẫn xanh tốt quanh năm và được đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây gìn giữ từ đời này sang đời khác, cả khi chiến tranh biên giới xảy ra ác liệt. Điều đó chứng tỏ những cây nghiến cổ thụ thiêng liêng, đặc biệt là cây cô đơn bên vực sông Miện, còn có ý nghĩa về mặt đời sống tâm linh: 

“Cô đơn cây cây có cô đơn

Hun hút vực sâu đường chỉ xanh sông Miện 

Tầng trời mênh mang hiên ngang cây cô đơn

Canh giữ núi sông đưa đón bạn đường 

Những lứa đôi vô tình lịch sử đau thương trận mạc

Đâu biết đêm đêm cây an ủi nguyện cầu bao kiếp sinh linh”

Chẳng những sông cô đơn, cây cô đơn và ở vùng biên cương này còn có một tòa thành cổ cô đơn dãi dầu mưa nắng. Đó là thành Cán Tỷ do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1887, ngay thời gian đầu đến đóng quân ở Hà Giang. Nằm ở vị trí rất hiểm yếu án ngữ hẻm vực sông Miện với con đường huyết mạch của khu vực biên giới Việt – Trung, công trình quân sự kiên cố này gồm hai bức tường thành bằng đá hộc có bề dày gần 1m nằm đối diện nhau qua sông Miện. Ngoài những lỗ châu mai trên tường thành hướng về phía Bắc, còn có một hệ thống lô cốt vững chắc nằm dọc tường thành và đặc biệt tại điểm cuối tường thành có hang đá lớn dùng làm nơi trú ẩn quân lính, kho chứa vũ khí quân trang quân dụng. Trải hơn 135 năm, tường thành đã dần đổ nát nhưng vẫn giữ được nét cấu trúc chính của một công trình nghệ thuật sự cổ, lưu giữ ký ức những giai đoạn lịch sử bi thương và oai hùng của dân tộc.

Ở vùng đất thuộc cao nguyên đá Hà Giang này còn những địa chỉ đáng tìm đến, nhưng chỉ cần khám phá vẻ đẹp cô đơn của dòng sông màu ngọc bích, cây nghiến cổ thụ và tòa thành cổ gần như bị bỏ quên cũng đủ cho chúng ta hiểu hơn sự kỳ thú của một vùng biên cương.

Hùng Tấn

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp